120 ngàn con bò sữa Vinamilk ở đâu để Hà Nội thiếu sữa, 3 tỉnh dùng sữa pha lại?
Nếu nguồn cung sữa tươi nguyên liệu dồi dào như công bố, sao Vinamilk làm sữa học đường từ sữa bột và bán cho Khánh Hòa, Hà Nam, Bà Rịa-Vũng Tàu?
Chương trình Sữa học đường là một giải pháp chính sách thiết thực, hiệu quả để cải thiện dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc cho trẻ em, tạo sức bật mới cho dân tộc bằng cách can thiệp trực tiếp vào lứa tuổi vàng thông qua tổ chức hoạt động cho trẻ em từ 2-12 tuổi uống sữa tươi sạch.
Đồng thời, đây cũng là một giải pháp chính sách rất khả thi để giúp ngành chăn nuôi bò sữa phát triển bền vững, giúp người nông dân chăn nuôi bò sữa có cơ hội sống và làm giàu bằng nghề này khi có thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định.
Nguồn tài chính thực hiện Chương trình Sữa học đường là những đồng tiền mồ hôi nước mắt của dân, bao gồm ngân sách các địa phương cũng như tiền người dân trực tiếp đóng góp cho con em tham gia uống sữa.
Chính vì vậy, đảm bảo nguồn sữa tươi sạch từ đầu vào nguyên liệu (Thông tư 29/2017/TT-BNNPTNT) cho đến đầu ra sản phẩm (Quyết định số 5450/QĐ-BYT ngày 28/9/2016 của Bộ Y tế) sẽ quyết định sự thành bại của chương trình ý nghĩa này.
Đây cũng là động lực thôi thúc chúng tôi tham gia góp ý, phản biện chính sách, ngõ hầu góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu kép của Chương trình Sữa học đường rất nhân văn và thiết thực.
Những dấu hiệu khác thường
Trong bài viết trước, Bí ẩn Hà Nội né tránh trả lời câu hỏi tại sao sữa học đường hôm có, hôm không, chúng tôi đã nêu ra thực trạng rất đáng lưu tâm khi triển khai Chương trình Sữa học đường:
Hà Nội vừa phát động Chương trình Sữa học đường hôm trước, hôm sau đã thiếu sữa cục bộ ít nhất 3 ngày mà không rõ lý do, không lời giải thích.
Hà Nam, Khánh Hòa và Bà Rịa - Vũng Tàu sử dụng sản phẩm "sữa dinh dưỡng tiệt trùng" pha lại từ sữa bột cho Chương trình Sữa học đường, trong khi Quảng Trị, Đắk Nông cũng có thể lặp lại lựa chọn này.
Một Thứ trưởng Bộ Y tế ký công văn gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị bổ sung các loại "sữa dạng lỏng" khác vào Chương trình Sữa học đường.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã rất sáng suốt quyết định giữ nguyên lựa chọn sữa tươi từ ban đầu cho chương trình ý nghĩa này.
Doanh nghiệp cung cấp sản phẩm Sữa học đường cho Hà Nội, Hà Nam, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu và cũng đang được Quảng Trị nhắm đến với dòng sản phẩm "sữa tiệt trùng" [1] là công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk).
Ảnh chụp màn hình.
Ngày 3/8/2017 Cục An toàn thực phẩm thuộc Bộ Y tế đã cấp xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm số 26449/2017/ATTP-XNCB cho sản phẩm "sữa dinh dưỡng tiệt trùng không đường - Vinamilk ADM Gold - Học đường" của Vinamilk. [2]
Năm 2018, Vinamilk ra bản tự công bố sản phẩm số 39-C3/VNM/2018 "sữa dinh dưỡng có đường - Vinamilk ADM Gold - Học đường", thành phần ghi:
Sữa (95,7%) (nước, sữa bột, chất béo sữa), đường (4,0%), chất ổn định (471, 460 (i), 407, 466), vitamin (natri ascorbat, PP, E, B1, B6, B5, A, acid folic, B2, K1, D3), khoáng chất (tricalci phosphat, sắt pyrophosphat, kẽm sulfat, đồng sulfat, kali iodid, natri selenit), hương liệu tổng hợp dùng cho thực phẩm, taurin. [3]
Không có chút sữa tươi nào trong dòng sản phẩm này.
Vinamilk đã khẳng định, cam kết những gì?
Ngày 29/11/2018 Báo Nhân Dân đăng tuyên bố khẳng định của Vinamilk, rằng:
Chương trình Sữa học đường tại Hà Nội sẽ chiếm 10-12% sản lượng 800 tấn/ngày của đàn bò 120 ngàn con của công ty (tương đương với khoảng 100 tấn sữa/ngày).
Theo Vinamilk, sản phẩm cung cấp cho Chương trình Sữa học đường sẽ có logo Sữa học đường và không bán thương mại ngoài thị trường.
Đây là loại sữa tươi tiệt trùng có đường hoặc không đường, dung tích 180ml và được sản xuất hoàn toàn tại Việt Nam.
Ảnh chụp màn hình nửa đầu trang 2, thông tin công bố sản phẩm "Sữa dinh dưỡng có đường - Vinamilk ADM Gold - Học đường" năm 2018 của Vinamilk.
Sản phẩm đáp ứng theo quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng QCVN 5-1:2010/BYT, đáp ứng quyết định số 5450/QĐ-BYT của Bộ Y tế đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường;
Đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 01-186:2017/BNNPTNT về Sữa tươi nguyên liệu, đáp ứng các chỉ tiêu khác căn cứ theo Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 8-7-2016 của Thủ tướng Chính phủ và các khuyến nghị về dinh dưỡng của Viện Dinh dưỡng quốc gia.
Theo đó Vinamilk khẳng định, toàn bộ sản phẩm sữa cung cấp cho gói thầu Sữa học đường Hà Nội là sản phẩm sữa tươi tiệt trùng.
Chất lượng và nguồn gốc, xuất xứ sữa tươi nguyên liệu tuyệt đối tuân thủ Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về sữa tươi nguyên liệu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.
Chất lượng sản phẩm sữa tươi tiệt trùng cung cấp cho Đề án Sữa học đường giai đoạn 2018 - 2020 tuân thủ nghiêm ngặt các quy chuẩn và quy định của Bộ Y tế. [4]
Vấn đề đặt ra là, tại sao trẻ em Thủ đô được uống sữa tươi còn trẻ em Hà Nam, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu lại phải uống sữa pha lại không đúng quy định của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế?
Vinamilk khẳng định biết rất rõ sản phẩm dùng cho Chương trình Sữa học đường phải tuân thủ Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 01-186:2017/BNNPTNT về Sữa tươi nguyên liệu, quyết định số 5450/QĐ-BYT của Bộ Y tế đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường.
Nếu đã như vậy, Vinamilk còn làm "sữa dinh dưỡng có đường - Vinamilk ADM Gold - Học đường" với lô gô "học đường" từ sữa bột pha lại, không có chút sữa tươi nào, để bán cho ai?
Nguồn cung cấp sữa tươi nguyên liệu dồi dào như vậy, Sữa học đường Hà Nội chỉ chiếm từ 10% đến 12%, sao vừa phát động chương trình hôm trước, hôm sau Hà Nội đã thiếu sữa?
Đối tượng sử dụng sản phẩm là trẻ em, tiền mua sản phẩm từ ngân sách và từ tiền túi người dân trực tiếp đóng góp, thiết nghĩ dư luận có quyền biết những câu trả lời từ nhà cung cấp cũng như bên mời thầu các tỉnh đang triển khai Sữa học đường.
120 nghìn con bò sữa ở đâu, đảm bảo QCVN 01-186:2017/BNNPTNT như thế nào?
Ngày 19/2/2019, Chuyên trang Đầu Tư Tài Chính Việt Nam - VietnamFinance, Tạp chí Nhà Đầu tư thuộc Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) có bài viết: "Giá bột sữa tăng mạnh, Vinamilk tính tăng giá bán để hỗ trợ biên lợi nhuận".
Tác giả cho biết, bộ phận phân tích của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đã tường thuật lại nội dung cuộc họp với nhà đầu tư của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) tổ chức ngày 15/2/2019.
Ảnh minh họa: Nguồn: vtv.vn.
Các trang trại bò sữa của Vinamilk hiện đang trong quá trình mở rộng hoạt động. Hiện tại, các trang trại này đóng góp 12-15% tổng nguồn cung sữa của Vinamilk. [5]
Nếu thông tin nói trên là chính xác, thì nguồn cung cấp sữa tươi nguyên liệu cho Vinamilk chủ yếu đến từ bà con nông dân chăn nuôi bò sữa.
Ngày 12/9/2018, Báo Nhân Dân có bài "Tháo gỡ khó khăn cho nông dân nuôi bò sữa ở Sóc Trăng", dẫn lời Giám đốc Ban Quản lý dự án phát triển chăn nuôi bò Sóc Trăng Lâm Minh Hoàng cho biết:
Hiện trên địa bàn có hai đơn vị thu mua sữa tươi cho nông dân là Công ty Vinamilk (mua theo chất lượng với năm loại giá, dao động từ 7.000 đến 14.000 đồng/kg, bình quân giá sữa tươi là 12.400 đồng/kg). [6]
Trang 16 Hồ sơ mời thầu của Hà Nội, mục 30. Nhà thầu phụ quy định:
"Nhà thầu chính được ký kết hợp đồng với các nhà thầu phụ trong danh sách các nhà thầu phụ kê khai. Việc sử dụng nhà thầu phụ sẽ không làm thay đổi các trách nhiệm của nhà thầu chính.
Nhà thầu chính phải chịu trách nhiệm về khối lượng, chất lượng, tiến độ và các trách nhiệm khác đối với phần công việc do nhà thầu phụ thực hiện...
Trường hợp trong hồ sơ dự thầu, nếu nhà thầu chính không đề xuất sử dụng nhà thầu phụ cho một công việc cụ thể hoặc không dự kiến các công việc sẽ sử dụng nhà thầu phụ thì được hiểu là nhà thầu chính có trách nhiệm thực hiện toàn bộ các công việc thuộc gói thầu.
Trong quá trình thực hiện hợp đồng, nếu phát hiện việc sử dụng nhà thầu phụ thì nhà thầu chính sẽ được coi là vi phạm hợp đồng."
Vậy trong gói thầu cung cấp sản phẩm sữa tươi cho Chương trình Sữa học đường Hà Nội, ngoài 1 nhà thầu phụ chính thức là Công ty Cổ phần Sữa quốc tế, Vinamilk có ký hợp đồng nhà thầu phụ với các hộ nông dân nuôi bò sữa hay không?
Vinamilk có quy trình chuyển giao và hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân để đảm bảo chất lượng, an toàn cho nguồn sữa tươi nguyên liệu theo Thông tư số 29/2017/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hay không?
Chỉ khi nào đưa ra được bằng chứng chứng minh điều này, thì quyền lợi của cả người tiêu dùng, ngân sách nhà nước lẫn nông dân nuôi gần 100 ngàn con bò sữa đang bán sữa tươi nguyên liệu cho Vinamilk mới được đảm bảo.
Thiết nghĩ đây không chỉ là quyền của người tiêu dùng được biết thông tin nguồn gốc xuất sứ sản phẩm, mà còn là trách nhiệm của doanh nghiệp với đồng vốn ngân sách, chưa kể đến trách nhiệm xã hội.
Theo Báo cáo thường niên năm 2017 của Vinamilk, tính đến cuối 2017 toàn bộ 10 trang trại bò sữa của Vinamilk trên toàn quốc có tổng đàn là 23.395 con, như vậy gần 100 ngàn con bò sữa còn lại là của nông dân. [7]
Vinamilk đã thể hiện trách nhiệm như thế nào với bà con nông dân để có thể coi gần 100 ngàn con bò của họ là "của mình" như những thông tin chia sẻ trên Báo Nhân Dân?
Tài liệu tham khảo:
[1]http://xml1.quangtri.gov.vn/xml_syt/VBDI/SYT-TT-38-17.pdf
[2]http://webcache.googleusercontent.com/search?q=cache:l0h__8CQtA4J:congbosanpham.vfa.gov.vn/uploadiframe!openFileSignPublic.do%3FfileId%3D455091+&cd=4&hl=vi&ct=clnk&gl=vn
[3]https://vinamilk.com.vn/cong-bo-san-pham/wp-content/uploads/2019/01/Ban-tu-cong-bo-SP_SDD-co-duong-VNM-ADM-Gold-Hoc-duong.pdf
[4]http://www.nhandan.com.vn/kinhte/thoi_su/item/38412702-vinamilk-chuong-trinh-sua-hoc-duong-tai-ha-noi-chi-chiem-10-12-san-luong.html
[5]https://vietnamfinance.vn/gia-bot-sua-tang-manh-vinamilk-tinh-tang-gia-ban-de-ho-tro-bien-loi-nhuan-20180504224219896.htm
[6]http://www.nhandan.com.vn/kinhte/item/37591702-thao-go-kho-khan-cho-nong-dan-nuoi-bo-sua-o-soc-trang.html
[7]https://www.vinamilk.com.vn/static/uploads/bc_thuong_nien/1522048369-e00f62c63c48b66dd2ef2120675537d0ced4e10b0acaae7be6d5ddfd8767f0ea.pdf
Tin nổi bật
- Mướp đắng có nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng ai không nên ăn?
12/06/2024 - 10:47:07
- Bị ngộ độc thức ăn tại nhà nên uống nước gì?
18/03/2024 - 17:23:23
- Những món ăn dễ tạo nồng độ cồn
05/03/2024 - 11:12:44
- Điều gì xảy ra khi uống quá nhiều trà chanh?
28/02/2024 - 10:47:30
- Thịt trữ ngăn đá nhiều ngày có gây ung thư?
20/02/2024 - 10:41:00
- Cứu sống nam thanh niên ngừng tuần hoàn do ăn lá ngón
23/06/2023 - 15:09:55