Cách tự làm trà hoa nhài và một số lưu ý dùng trà để tốt cho sức khỏe
Hoa nhài nở rộ nhất trong khoảng từ tháng 4 đến tháng 9. Trà hoa nhài có nhiều tác dụng với sức khỏe tuy nhiên cũng cần có một số lưu ý khi sử dụng.
1. Tác dụng của trà hoa nhài
Hoa nhài nở rộ nhất trong khoảng từ tháng 4 đến tháng 9. Theo y học cổ truyền, hoa nhài và lá nhài có vị cay và ngọt, tính mát, có tác dụng hỗ trợ trị ngoại cảm phát sốt, trẻ bị sốt do lên sởi, người bị đau bụng, mụn nhọt. Nước sắc của hoa nhài dùng rửa mặt tốt cho người bị viêm màng khóe mắt và màng mộng. Bên cạnh đó, hoa nhài có tác dụng đối với làm đẹp như: để tắm, xả tóc hay chăm sóc da mặt góp phần ngăn ngừa lão hóa, tẩy tế bào chết và trị mụn trứng cá.
Y học hiện đại cũng đã nghiên cứu hoa nhài chứa hàm lượng chất chống oxy hóa cao giúp loại bỏ các gốc tự do. Hợp chất methyl jasmonate trong cây hoa nhài có thể hỗ trợ với một số bệnh ung thư.
Trà hoa nhài là món trà quen thuộc, dân dã, pha trộn giữa trà xanh và hoa nhài, có mùi thơm đặc trưng. Ngoài ra, trà hoa nhài có nhiều lợi ích đối với sức khỏe.
Trong các loại trà ướp hoa, trà hoa nhài là loại có hương thơm mạnh và nồng nhất
Trà hoa nhài giúp thư giãn tinh thần, giảm stress
Hương thơm dịu của trà xanh kết hợp với hoa nhài giúp giảm stress, lo âu, giảm đau đầu. Trà nhài giúp cải thiện lưu thông máu, dự phòng xuất hiện các huyết khối, hình thành các mảng bám ở động mạch, tổn thương não, tăng huyết áp và tai biến mạch não…
Điều hòa đường máu
Trà hoa nhài tốt cho người bệnh đái tháo đường, giúp điều hòa đường máu và việc sản xuất insulin của tuyến tụy.
Trà hoa nhài giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh cảm lạnh, cúm
Trà hoa nhài có tính kháng khuẩn, có thể giảm được nguy cơ mắc các bệnh cảm lạnh, cúm.
2. Ai không nên uống trà hoa nhài thường xuyên?
Trong các loại trà ướp hoa, trà hoa nhài là loại có hương thơm mạnh và nồng. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai không nên uống trà hoa nhài thường xuyên. Mùi thơm của hoa nhài hoặc tinh dầu hoa nhài có thể gây ra các cơn co thắt tử cung ở phụ nữ mang thai. Vì vậy, các mẹ bầu nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi quyết định uống trà hoa nhài hằng ngày.
Nhiều người chọn trà là thức uống trong chế độ giảm cân và sử dụng trà hoa nhài vì trà có hương vị thơm. Tuy nhiên, không nên uống trà hoa nhài khi đói vì sẽ khiến bạn cồn cào, khó chịu.
Trà hoa nhài cũng như các loại trà khác, thuộc vào chất kích thích. Vì vậy, người đau dạ dày không nên uống trà hoa nhài.
Nên chọn hoa nhài đang chuẩn bị nở, các cánh hoa chưa bung tỏa hẳn
3. Cách làm trà hoa nhài tại nhà bằng cách phơi khô
Muốn làm trà hoa nhài thành công, trước tiên cần chọn hoa nhài. Nên chọn hoa nhài đang chuẩn bị nở, các cánh hoa chưa bung tỏa hẳn sẽ giữ được hương hoa ở trong phần nụ mà không bị mất đi trong quá trình làm trà. Tuy nhiên, không nên chọn nụ hoa nhài bởi nụ nhài sẽ khó làm khô.
Chú ý, hoa nhài dùng làm trà nên chọn cây hoa nhài không bị bón phân hóa học. Nếu dùng hoa nhài được bón phân hóa học thì dư lượng phân hóa học sẽ có trong hoa. Có thể thu hái hoa nhài vào lúc sáng sớm hoặc buổi tối, vì đây chính là thời điểm mà hoa tươi và giàu dưỡng chất nhất. Tránh thu hoạch hoa nhài vào buổi trưa vì lúc này hoa thường khô bởi trời nắng gắt. Cũng không nên thu hoạch hoa khi trời vừa mưa xong, hoa sẽ không có nhiều chất dinh dưỡng.
Sau khi hái hoa, đem rửa hoa. Lưu ý, rửa hoa nhẹ nhàng, rửa qua và không nên rửa kỹ tránh hoa bị dập nát.
Nên dùng các loại vật dụng có lỗ, ráo nước: như rổ, giá, khay lưới để phơi nắng.
Khi phơi, nên để cách mặt đất ít nhất 30 cm để tránh bụi bẩn.
Làm trà hoa nhài bằng cách phơi khô rất đơn giản nhưng cần chú ý, sau khi hái hoa xong, cần rửa luôn và phơi nắng luôn. Quan trọng là cần biết lựa chọn thời điểm hái hoa và phơi hoa. Cần chọn khoảng thời gian khi dự báo thời tiết có nắng đẹp. Phơi nắng khoảng 2 -3 ngày, hoa sẽ khô và có thể dùng để làm trà. Tuy nhiên, với cách phơi nắng, hoa nhài sau khi khô sẽ chuyển sang màu nâu.
3. Cách làm trà hoa nhài tại nhà bằng cách sấy khô
Cách làm này không bị phụ thuộc vào thời tiết. Có thể chọn máy sấy nhiệt hoặc máy sấy lạnh để sấy hoa. Công đoạn chọn hoa và rửa hoa cũng giống như cách làm ở trên chỉ khác là các bạn không phơi khô mà mang hoa đi sấy khô.
Nếu bạn dùng máy sấy nhiệt để sấy khô hoa nhài thì cho hoa nhài vào trong khay sấy để sấy, nhiệt độ sấy khoảng 60 độ C và sấy khoảng 6 – 8 tiếng. Chú ý, hoa đã nở sẽ khô nhanh nhất, nụ sắp nở khô lâu hơn và nụ nhỏ lâu khô nhất. Ưu điểm khi sấy bằng máy sấy nhiệt là thời gian sấy khô nhanh, hoa nhài khô đều nhưng nhược điểm là vẫn làm hoa nhài chuyển sang màu nâu, không giữ được màu trắng của hoa như ban đầu.
Hoa nhài sau khi sấy lạnh vẫn giữ được màu trắng ban đầu
4. Cách làm trà hoa nhài tại nhà bằng cách sấy lạnh
Trước khi cho hoa hài vào máy sấy lạnh để sấy, có thể cho hoa nhài vào trong nước sôi để trần qua hoặc hấp cách thủy trước vài phút hoa sẽ khô đều và cho màu sắc đẹp. Để nhiệt độ sấy ở 25 độ C và thời gian sấy khoảng 15 tiếng.
Việc sấy hoa nhài bằng máy sấy lạnh là giữ được màu của hoa vẫn còn trắng, không chuyển màu nâu và giữ được mùi hương thơm hơn so với cách sấy thông thường. Tuy nhiên, sấy lạnh hoa nhài đòi hỏi chi phí mua máy quá đắt, thời gian sấy lâu.
Tin nổi bật
- 5 nguồn thực phẩm tự nhiên bổ sung chất điện giải
04/07/2024 - 10:08:17
- 7 thực phẩm tự nhiên tốt cho người mất ngủ
02/07/2024 - 10:21:44
- Uống nhiều nước ngọt, bạn có nguy cơ mắc bệnh gì?
01/07/2024 - 10:09:00
- Ăn quá nhiều đường phá hủy cơ thể bạn như thế nào?
27/06/2024 - 09:56:06
- Ăn giấm táo thường xuyên có tốt cho tiêu hóa và giảm cân không?
26/06/2024 - 14:54:55
- 10 loại thực phẩm giúp nâng cao hiệu quả tập luyện
24/06/2024 - 10:57:24