Sau tiêm 2 mũi vaccine COVID-19, có cần làm xét nghiệm kháng thể?
Các nhà khoa học đã nghiên cứu và chứng minh, sau khi tiêm vaccine COVID-19, cơ thể tạo ra kháng thể. Người được tiêm đủ 2 mũi vaccine có được hệ miễn dịch với virus tốt hơn nhiều so với người không được tiêm.
Chỉ số kháng thể thấp sau tiêm đủ 2 mũi vaccine có đáng lo ngại?
Những ngày gần đây, đánh vào tâm lý e ngại và mong muốn tìm hiểu về nồng độ kháng thể mà cơ thể mình có được sau khi tiêm vaccine hoặc sau khi mắc COVID-19, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều quảng cáo làm dịch vụ xét nghiệm định lượng kháng thể SARS - CoV - 2.
Theo những quảng cáo này cho rằng, xét nghiệm định lượng kháng thể để đánh giá khả năng sinh kháng thể sau khi tiêm đủ 2 mũi vaccine COVID-19 là cần thiết; đã khiến không ít người dân đi làm các xét nghiệm và tạo tâm lý hoang mang nếu kết quả xét nghiệm cho chỉ số thấp.
BS. Trần Văn Công cho hay, hằng ngày nhận được rất nhiều câu hỏi như: - Em chích đủ 2 mũi vaccine rồi, xét nghiệm kháng thể thấp có sao không? - Em bị F0 rồi, nhưng xét nghiệm thấy kháng thể thấp, có cần tiêm vaccine không? - Sau tiêm 2 mũi vaccine... mẹ em xét nghiệm là 1000AU/mL., trong khi em tiêm vaccine khác loại của mẹ em thì chỉ có 600AU/mL. Có phải tại vaccine em tiêm cho kháng thể thấp không?...
Theo BS. Trần Văn Công - nhóm bác sĩ tình nguyện "Giúp nhau mùa dịch" tại Tp. Hồ Chí Minh cho biết, trước khi làm xét nghiệm chúng ta phải trả lời được câu hỏi: Ngưỡng kháng thể là bao nhiêu thì an toàn? Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, câu hỏi này cũng chưa có khuyến nghị chính thức. Tất nhiên, nếu chỉ số càng cao thì càng tốt, điều này chứng tỏ cơ thể đã sinh được nhiều kháng thể. Nhưng nếu nồng độ đạt được từ 50AU/mL trở lên là rất đáng mừng.
Ngoài ra, chúng ta cần hiểu rõ về chỉ số kháng thể COVID-19 như sau:
- Lượng kháng thể tồn tại trong máu sẽ giảm dần theo thời gian.
- Kháng thể giúp bảo vệ một người trước COVID-19, nhưng không hoàn toàn giúp chúng ta miễn nhiễm với virus SARS-CoV2-2.
- Xét nghiệm tìm kháng thể là chẩn đoán một người đã từng nhiễm bệnh, đang mắc COVID-19 và có nguy cơ nhiễm bệnh.
- Kháng thể giúp nếu mắc COVID-19 sẽ ít triệu chứng hơn.
- Một người xét nghiệm có kháng thể cũng không thể chắc chắn khẳng định người đó có đang bị nhiễm virus SARS-CoV-2, nên không được dùng để xét nghiệm khẳng định COVID-19.
Hơn nữa, theo thời gian, lượng kháng thể này cũng sẽ giảm dần. Do đó, chỉ số kháng thể có thấp cũng không hề đáng lo ngại.
Kháng thể là gì?
Kháng thể có thể hiểu đơn giản nó chính là hàng rào bảo vệ cơ thể trước sự tấn công của virus. Trong cơ thể người có hệ miễn dịch khỏe mạnh, luôn có một lượng kháng thể tự nhiên nhất định. Chúng giúp cơ thể phòng ngừa sự tấn công của các virus, vi khuẩn. Đó chính là lý do một người khỏe mạnh ít khi nhiễm bệnh, hoặc có nhiễm bệnh cũng có thể nhẹ hơn và nhanh khỏi hơn những người có hệ miễn dịch suy yếu.
Tuy nhiên, lượng kháng thể này rất thấp, khoảng 5.9AU/mL chưa đủ để đáp ứng miễn dịch đối với các loại tấn công của dịch bệnh. Do đó, tiêm vaccine là một cách tạo ra kháng thể chủ động, với lượng lớn hơn nhiều lần, giúp cơ thể có hàng rào bảo vệ tốt hơn.
Nhưng nồng độ kháng thể chủ động có được sau tiêm vaccine ở mỗi người lại khác nhau. Không phải cứ tiêm đủ 2 mũi vaccine là cơ thể tạo ra được nồng độ kháng thể cao như nhau.
Cũng như các loại vaccine khác, sau khi tiêm vaccine COVID-19, mỗi người lại có khả năng đáp ứng với vaccine khác nhau. Do đó nồng độ kháng thể được sinh ra cũng không giống nhau. Với người được tiêm vaccine, kháng thể chỉ có được sau khoảng 2-3 tuần tiêm vaccine. Với người đã nhiễm virus SARS-CoV-2 sau khi khỏi cũng tạo ra kháng thể này.
Nồng độ kháng thể sau tiêm vaccine COVID-19 từ 15AU/mL là đáp ứng miễn dịch với virus SARS-CoV-2. Nồng độ kháng thể dưới 12AU/mL là chưa đáp ứng miễn dịch.
Những người đã tiêm 1 mũi vaccine ngừa COVID-19 có kháng thể với virus SARS-CoV-2 với định lượng trung bình là 67.53AU/mL - gấp khoảng 4-5 lần so với ngưỡng đáp ứng miễn dịch.
Người đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine COVID-19 có định lượng kháng thể này là 278.81AU/mL trong vòng sau 1 tuần., cao gấp khoảng 18 lần so với ngưỡng đáp ứng miễn dịch. 2 tuần tiếp theo, định lượng này tăng lên hơn 21 lần.
Có cần kiểm tra định lượng kháng thể hay không?
BS. Trần Văn Công cho hay: Hiện nay, xét nghiệm định lượng kháng thể SARS- CoV-2 đang thực hiện ở đa số phòng Lab là định lượng kháng thể IgG. Nói về kháng thể thì có thể chia 2 loại:
- Kháng thể liên kết (binding antibody) gồm: IgM, IgG,IgA....
- Kháng thể trung hòa (neutralizing antibody).
Do đó xét nghiệm định lượng kháng thể hiện nay chỉ thể hiện được lượng IgG, nó không phản ánh được tổng lượng kháng thể cơ thể tạo ra (các kháng thể hòa tan và kháng thể liên kết khác). Vì vậy nếu chỉ dựa vào chỉ số IgG đơn độc đánh giá tình trạng miễn dịch là không có nhiều ý nghĩa.
Ngoài ra, một hàng rào cực kỳ quan trọng, hơn cả lượng kháng thể cao bao nhiêu - đó chính là các tế bào nhớ, các B cell memory...
Nói cách khác, khi virus hay một phần virus xâm nhập vào cơ thể, ngoài việc sinh ra các loại kháng thể kể trên, cơ thể chúng ta còn có một đội ngũ các tế bào nhớ. Đội ngũ này sẽ ghi nhớ bộ mặt virus hoặc kháng nguyên. Các tế bào này tồn tại rất lâu, được tính bằng nhiều năm. Và khi có virus xâm nhập lần tiếp theo, các tế bào này sẽ nhận ra và nhanh chóng khởi động hệ thống, sản xuất ồ ạt các kháng thể để tiêu diệt mầm bệnh. Sự tồn tại của các tế bào này không thể hiện trên các xét nghiệm thông thường chúng ta đang làm.
Cũng theo BS. Trần Văn Công, mục tiêu của việc tiêm vaccine là phòng bệnh. Người dân đổ xô đi xét nghiệm đo kháng thể như hiện nay là điều không cần thiết. Hơn nữa, mỗi loại vaccine có một tỉ lệ tạo kháng thể khác nhau, mỗi giai đoạn kết quả xét nghiệm lại khác nhau nên việc xét nghiệm đo kháng thể hầu như không mang lại giá trị nhiều.
Tin nổi bật
- TPHCM: Phát hiện một công ty quảng cáo cung cấp dịch vụ truyền nước biển tại nhà trái phép
05/07/2024 - 10:58:42
- Thêm 2 ca tai biến thẩm mỹ, Bệnh viện Korea Star - Sao Hàn phải dừng hoạt động phẫu thuật
20/06/2024 - 10:55:38
- 'Loạn' hoạt động thẩm mỹ trái phép tại Quảng Bình
20/06/2024 - 10:00:35
- Thanh Hóa: Mập mờ tên gọi Phòng khám Đa khoa Hà Thành, 'ship' bệnh nhân đến cơ sở không phép khám bệnh
12/06/2024 - 10:35:47
- Phòng khám ngoại khoa Kinhealth - Địa chỉ “vàng” cho bệnh nhân bệnh trĩ, rò hậu môn
11/06/2024 - 16:48:20
- Xử lý ‘Viện phục hồi giãn tĩnh mạch Top 1 châu Âu” hoạt động trái phép ở quận 7
24/04/2024 - 11:05:38