Mụn trứng cá: Nguyên nhân và thuốc điều trị
Mụn trứng cá là vấn đề có thể gặp từ giai đoạn trẻ sơ sinh cho đến giai đoạn trưởng thành và là một trong những bệnh lý rất thường gặp...
Vậy nguyên nhân gây mụn trứng cá là gì, dùng thuốc như thế nào? Hãy cùng bác sĩ Huỳnh Thị Như Mỹ - Trường đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
1. Các loại mụn trứng cá
Mụn trứng cá được chia làm hai nhóm:
1.1 Sang thương mụn trứng cá không viêm
Mụn đầu đen: Là tình trạng hình thành nhân mụn trong chân lông do sự bít tắt của các tế bào chết, chất tạo nhân mụn, bã nhờn… Sang thương không viêm và có đầu mở lên mặt da. Tình trạng này dẫn đến sự oxy hóa tạo các chấm đen trên bề mặt da.
Các biểu hiện do mụn trứng cá gây ra.
Mụn đầu trắng: Cũng là sự hình thành nhân mụn trong tổ chức nang lông, nhưng trường hợp mụn đầu trắng do nhiều yếu tố chi phối mà cổ chân lông lại bị tắc hẹp luôn. Từ đó các bã nhờn do tuyến nhờn sản xuất không được bài xuất lên bề mặt mà tích tụ trong chân lông, dần tạo thành nốt sần trong da mà bạn có thể thường nghe nhắc đến là mụn ẩn.
1.2 Sang thương mụn trứng cá có viêm
Sẩn viêm: Đây là dạng khởi phát viêm mức độ nhẹ nhất với sẩn viêm nhỏ đường kính từ 1-3mm, đỏ hồng và bạn có thể có cảm giác nhức.
Mụn mủ: Từ sang thương viêm sẽ diễn tiến thành mụn tụ mủ, sưng và có vòng hồng ban xung quanh.
Mụn bọc: Sang thương viêm sưng tấy đỏ, kích thước từ 0,5cm-1cm, có kèm theo đau nhức.
Mụn dạng nang, nốt: Sang thương viêm sưng tấy đỏ, kích thước từ trên 1cm, kèm theo đau nhức.
2. Vì sao hình thành mụn trứng cá?
Mụn trứng cá là bệnh lý tại hệ nang lông tuyến bã. Bệnh lý mạn tính có thể gặp ở nhiều lứa tuổi và hình thành do nhiều nguyên nhân bao gồm:
- Sự sừng hóa cổ nang lông của các tế bào sừng chết, sự bít tắc chân lông làm kích thích tăng nhờn bã và tạo điều kiện hình thành các nhân mụn.
- Tăng sản xuất nhờn bã: Sự tăng sản xuất nhờn làm tăng khả năng kết dính các tế bào chết, bụi bẩn, tăng hình thành nhân mụn và tạo môi trường cho vi khuẩn P.acnes tạo mụn viêm.
- Sự hiện diện của vi khuẩn P.acnes lại làm tăng khả năng tạo mụn viêm. P.acnes đặc biệt phát triển nhiều hơn ở các chân lông bít tắc, tích tụ nhiều nhờn bã.
- Phản ứng viêm da tại chỗ có thể rõ ràng bằng biểu hiện đỏ da, hay cảm thấy châm chích, đôi khi phản ứng chỉ ở mức giới hạn do ảnh hưởng stress da với các điều kiện môi trường như nắng nóng, khói bụi… Viêm da sẽ khiến khả năng hình thành nhân mụn cũng như mụn viêm tăng.
Các thuốc bôi ngoài da có thể hạn chế tình trạng mụn trứng cá.
3. Các thuốc điều trị mụn trứng cá
Mục tiêu điều trị trứng cá là: Chống tiết nhiều chất bã; chống dày sừng cổ tuyến bã; chống nhiễm khuẩn. Có thể sử dụng một trong các thuốc bôi tại chỗ sau:
- Niaciamide: Hoạt chất này giúp phục hồi và bảo vệ làn da, giảm viêm và điều hòa nhờn bã trên da.
- Alpha-hydroxy acids: Có tác dụng tẩy tế bào chết hóa học, giúp giảm bít tắc cổ nang lông, điều hòa tiết bã nhờn trên da.
- Beta-hydroxy acid: Là acid salicylic acid giúp thẩm thấu sâu trong các lỗ chân lông, giúp giảm bít tắc, điều hòa nhờn bã, giúp giảm viêm và kháng khuẩn.
- Retinoid: Đây là nhóm dẫn xuất của vitamin A, phổ biến trong điều trị mụn là tretinoin và adapalene. Hoạt chất này tác động vào quá trình thay mới tế bào sừng của da, giúp giảm bít tắc chân lông, tăng đào thải và tiêu giảm mụn nhân. Do đó, thuốc làm tiêu nhân mụn, ngăn sự hình thành nhân mụn, chống viêm… Các tác dụng phụ thường gặp của thuốc là: Gây khô da, đỏ da, kích ứng da, hồng ban tróc vảy, nhạy cảm ánh sáng… Các tác dụng phụ này thường xuất hiện trong tháng đầu điều trị, sau đó sẽ hết. Tuy nhiên ở một số bệnh nhân có thể gặp suốt quá trình điều trị.
- Azelaic acid: Đây là thành phần có thể tác động làm giảm viêm, kháng khuẩn, giảm bít tắt lỗ chân lông và là thành phần ưu tiên để xử lý mụn cho các chị em trong thai kỳ. Thuốc có tác dụng ngăn chặn nhân mụn, kìm khuẩn. Tác dụng phụ có thể gặp là ngứa và cảm giác rát bỏng tại chỗ.
- Benzoyl peroxide: Nhóm chất oxy hóa mạnh với nồng độ từ 2,5% -10% giúp diệt vi khuẩn gây mụn với phổ tác dụng rộng, giảm sừng hóa da. Thuốc làm giảm đáng kể vi khuẩn P. acnes và acid béo tự do ở tuyến bã, ngoài ra tác dụng chống viêm và tiêu nhân mụn. Tác dụng phụ thường gặp nhất của thuốc là: Khô da và nhạy cảm ánh sáng. Nên bôi thuốc vào buổi chiều tối để làm giảm nhạy cảm ánh sáng.
- Sulfur (lưu huỳnh): Lưu huỳnh giúp loại bỏ bớt các tế bào chết giúp thông thoáng cổ chân lông và giúp giảm bã nhờn.
- Kháng sinh bôi: Kháng sinh giúp tiêu diệt vi khuẩn gây mụn P acnes, chống viêm trực tiếp thông qua ức chế sự hóa ứng động của bạch cầu trung tính. Trong đó erythromycin và clindamycin là hai loại kháng sinh được dùng phổ biến nhất trong điều trị mụn trứng cá.
Thuốc dung dịch tan trong cồn như clindamycin và erythromycin hoặc gel và lotion để làm giảm kích thích da. Hiện nay có các dạng phối hợp thuốc giúp giảm sự đề kháng kháng sinh của vi khuẩn: Erythromycin 3% phối hợp với benzoyl peroxid 5% hoặc clindamycin 1% với benzoyl peroxide 5%.
Các thuốc điều trị mụn trứng cá có từ nhẹ đến mạnh. Tuy nhiên, các thuốc bôi càng mạnh với hiệu quả nhanh sẽ càng dễ gặp các tác dụng phụ như: Đỏ da, châm chích, bỏng rát… Đặc biệt trên các nền da mụn viêm yếu khả năng gặp càng cao. Do đó, tốt nhất việc sử dụng các thuốc bôi cần có sự hướng dẫn của bác sĩ.
Tin nổi bật
- TPHCM: Phát hiện một công ty quảng cáo cung cấp dịch vụ truyền nước biển tại nhà trái phép
05/07/2024 - 10:58:42
- Thêm 2 ca tai biến thẩm mỹ, Bệnh viện Korea Star - Sao Hàn phải dừng hoạt động phẫu thuật
20/06/2024 - 10:55:38
- 'Loạn' hoạt động thẩm mỹ trái phép tại Quảng Bình
20/06/2024 - 10:00:35
- Thanh Hóa: Mập mờ tên gọi Phòng khám Đa khoa Hà Thành, 'ship' bệnh nhân đến cơ sở không phép khám bệnh
12/06/2024 - 10:35:47
- Phòng khám ngoại khoa Kinhealth - Địa chỉ “vàng” cho bệnh nhân bệnh trĩ, rò hậu môn
11/06/2024 - 16:48:20
- Xử lý ‘Viện phục hồi giãn tĩnh mạch Top 1 châu Âu” hoạt động trái phép ở quận 7
24/04/2024 - 11:05:38