Insulin, những rào cản khiến nhiều người bệnh vẫn chưa tiếp cận được thuốc
100 năm sau khi được phát hiện, insulin vẫn nằm ngoài tầm với của nhiều người sống chung với bệnh đái tháo đường...
Một báo cáo mới được WHO công bố trước Ngày Đái tháo đường Thế giới, nêu bật tình trạng đáng báo động về khả năng tiếp cận insulin và chăm sóc bệnh đái tháo đường trên toàn cầu; đồng thời phát hiện ra rằng giá cao, lượng insulin sẵn có thấp, ít nhà sản xuất đã chiếm lĩnh thị trường insulin và hệ thống y tế yếu kém là những rào cản chính đối với tiếp cận phổ cập.
Tổng Giám đốc WHO, Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: Các nhà khoa học phát hiện ra insulin 100 năm trước đã từ chối thu lợi nhuận từ phát hiện của họ và bán bằng sáng chế chỉ với một đô la. Thật không may, nghĩa cử cao đẹp đó đã bị xóa nhòa bởi một doanh nghiệp trị giá hàng tỷ đô la khi họ tạo ra những rào cản lớn trong việc tiếp cận thuốc. WHO đang làm việc với các quốc gia và nhà sản xuất để thu hẹp những khoảng cách này và mở rộng khả năng tiếp cận loại thuốc quan trọng này cho tất cả những ai cần nó.
Tầm quan trọng của insulin với người bệnh đái tháo đường
Có thể nói insulin là nền tảng của việc điều trị bệnh đái tháo đường, có thể biến một căn bệnh chết người thành một căn bệnh có thể kiểm soát được đối với 9 triệu người mắc bệnh đái tháo đường loại 1. Đối với hơn 60 triệu người đang sống chung với bệnh đái tháo đường loại 2, insulin rất cần thiết trong việc giảm nguy cơ biến chứng như: Suy thận, mù lòa và cắt cụt chi…
Tuy nhiên, cứ hai người cần insulin cho bệnh đái tháo đường loại 2 thì có một người không nhận được. Bệnh đái tháo đường đang gia tăng ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Tuy nhiên mức tiêu thụ insulin của họ vẫn chưa theo kịp với gánh nặng bệnh tật ngày càng tăng.
Báo cáo nhấn mạnh rằng trong khi 3/4 người bị ảnh hưởng bởi bệnh đái tháo đường loại 2 sống ở các quốc gia bên ngoài Bắc Mỹ và Châu Âu, họ chỉ chiếm chưa đến 40% doanh thu từ việc bán insulin.
Những rào cản khiến cho người bệnh chưa tiếp cận được với thuốc
Báo cáo của WHO cho thấy, những nguyên nhân chính của sự thiếu hụt trong việc tiếp cận toàn cầu với insulin như:
- Sự thay đổi thị trường toàn cầu từ insulin thường (có thể được sản xuất với chi phí tương đối thấp) sang các chất tương tự đắt tiền hơn (insulin tổng hợp) đang đặt ra gánh nặng tài chính không thể giải quyết được đối với các quốc gia có thu nhập thấp hơn. Nói chung, insulin thường có hiệu quả tương tự như insulin tổng hợp, nhưng insulin tổng hợp đắt hơn insulin thường ít nhất 1,5 lần, và ở một số quốc gia đắt hơn gấp ba lần.
- Ba công ty đa quốc gia kiểm soát hơn 90% thị trường insulin, để lại ít cơ hội cho các công ty nhỏ hơn cạnh tranh để bán insulin.
- Các chính sách và quy định chưa tối ưu, bao gồm các phương pháp định giá dược phẩm chưa thỏa đáng, quản lý chuỗi cung ứng và thu mua yếu kém, không đủ tài chính để đáp ứng nhu cầu và quản trị yếu kém tổng thể đang làm ảnh hưởng đến việc tiếp cận insulin và các thiết bị liên quan, chẳng hạn như thiết bị giám sát và phân phối insulin, ở tất cả các quốc gia.
- Hệ thống y tế và cơ sở hạ tầng không đủ năng lực, bao gồm thiếu tích hợp dịch vụ ở tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu, không đủ năng lực cung cấp dịch vụ chăm sóc bệnh tiểu đường và đảm bảo cung cấp liên tục và cơ sở hạ tầng để quản lý thông tin, quản lý nguồn cung và sản xuất insulin tại địa phương là những thách thức phổ biến đối với các quốc gia thu nhập thấp.
- Nghiên cứu hướng tới các thị trường giàu có, bỏ qua nhu cầu sức khỏe cộng đồng của các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, vốn chiếm 80% gánh nặng bệnh tiểu đường.
Theo báo cáo, bối cảnh giá cả cũng không đồng đều và cho thấy sự thiếu minh bạch trong cách định giá. Ví dụ, insulin tương tự sinh học (về cơ bản là các phiên bản chung) có thể rẻ hơn 25% so với sản phẩm gốc, nhưng nhiều quốc gia, bao gồm cả những quốc gia có thu nhập thấp hơn, không được hưởng lợi từ khoản tiết kiệm tiềm năng này.
Giải pháp thúc đẩy tiếp cận insulin cho người bệnh
Báo cáo đề xuất một số hành động để cải thiện khả năng tiếp cận insulin và các sản phẩm liên quan, bao gồm:
- Tăng cường sản xuất và cung cấp insulin thường và đa dạng hóa cơ sở sản xuất insulin tương tự sinh học để tạo ra sự cạnh tranh và giảm giá.
- Cải thiện khả năng chi trả bằng cách điều tiết giá cả và nhãn hiệu, cải thiện tính minh bạch trong cách đặt giá…
- Thúc đẩy năng lực sản xuất của địa phương...
- Thúc đẩy nghiên cứu phát triển tập trung vào nhu cầu của các nước có thu nhập thấp và trung bình.
- Đảm bảo rằng việc tăng cường khả năng tiếp cận insulin đi kèm với chẩn đoán nhanh chóng và tiếp cận với các thiết bị giá cả phải chăng để theo dõi lượng đường trong máu và tiêm insulin.
- Sử dụng các nguồn lực y tế một cách khôn ngoan bằng cách chọn insulin thường nếu có thể và phân bổ kinh phí thích hợp để cung cấp một gói chăm sóc đầy đủ.
WHO đã tăng tốc nỗ lực giải quyết một số rào cản đối với sự sẵn có của insulin và các loại thuốc liên quan, công nghệ y tế thông qua một loạt các cuộc trao đổi với các hiệp hội doanh nghiệp và nhà sản xuất các sản phẩm này.
Tin nổi bật
- TPHCM: Phát hiện một công ty quảng cáo cung cấp dịch vụ truyền nước biển tại nhà trái phép
05/07/2024 - 10:58:42
- Thêm 2 ca tai biến thẩm mỹ, Bệnh viện Korea Star - Sao Hàn phải dừng hoạt động phẫu thuật
20/06/2024 - 10:55:38
- 'Loạn' hoạt động thẩm mỹ trái phép tại Quảng Bình
20/06/2024 - 10:00:35
- Thanh Hóa: Mập mờ tên gọi Phòng khám Đa khoa Hà Thành, 'ship' bệnh nhân đến cơ sở không phép khám bệnh
12/06/2024 - 10:35:47
- Phòng khám ngoại khoa Kinhealth - Địa chỉ “vàng” cho bệnh nhân bệnh trĩ, rò hậu môn
11/06/2024 - 16:48:20
- Xử lý ‘Viện phục hồi giãn tĩnh mạch Top 1 châu Âu” hoạt động trái phép ở quận 7
24/04/2024 - 11:05:38