Dùng thuốc chữa viêm họng do liên cầu khuẩn ở trẻ em
Có nhiều loại vi khuẩn gây ra viêm họng ở trẻ em. Tuy nhiên viêm họng do liên cầu tan huyết nhóm A (liên cầu khuẩn) là tác nhân phổ biến và gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm cầu thận cấp, tổn thương van tim nếu không được điều trị sớm và kịp thời.
Trẻ nào dễ bị viêm họng do liên cầu khuẩn?
Viêm họng do liên cầu khuẩn hiếm gặp ở trẻ dưới 3 tháng tuổi, thường gặp nhất là ở trẻ từ 5 tuổi đến 15 tuổi. Trẻ thường đến khám vì đột ngột đau rát cổ họng, nuốt đau và sốt trên 38 độ C. Thăm khám thường thấy họng đỏ, sưng, đôi khi có các chấm xuất huyết ở vòm họng. Amidan có thể có mủ, nổi hạch cổ, phát ban đỏ, ngừa sờ như giấy nhám.
Hình ảnh viêm họng do liên cầu khuẩn: Amidan sưng đỏ và có mủ, vòm họng có chấm xuất huyết và phát ban đỏ...
Điều trị viêm họng do liên cầu khuẩn bằng kháng sinh
Điều trị tối ưu cho viêm họng do liên cầu khuẩn chủ yếu là dùng kháng sinh. Nếu sử dụng kháng sinh đúng và hợp lý thì trong vòng 24-48 giờ sau khi bắt đầu sử dụng kháng sinh sẽ giúp làm giảm: Độ nặng của triệu chứng; giảm thời gian mắc bệnh (khoảng 1 ngày); giảm nguy cơ lây nhiễm cho nhưng người tiếp xúc gần (thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ hoặc bạn cùng lớp); giảm khả năng bị biến chứng nhiễm trùng (áp xe quanh amidan, áp xe thành sau họng, viêm, áp xe hạch cổ, viêm tai giữa, viêm xoang, viêm trung thất, nhiễm trùng huyết, viêm màng não, viêm phổi….), viêm cầu thận cấp và di chứng ở van tim.
Kháng sinh hàng đầu trong điều trị viêm họng do liên cầu khuẩn là nhóm penicillin đường uống:
Các kháng sinh thường dùng như: Penicillin V, amoxicillin hoặc amoxicillin+clavulanic acid.
Nếu trẻ có tiền sử dị ứng với nhóm penicillin thì có thể dùng: Nhóm cephalosporins (cefadroxil, cephalexin…); nhóm macrolide (clarithromycin, aithromycin….).
Liều dùng theo chỉ định của bác sĩ, thời gian dùng từ 5-10 ngày tùy từng trường hợp. Cần tham khảo ý kiến của bác sĩ, không tự ý sử dụng thuốc.
Lưu ý khi sử dụng kháng sinh trong viêm họng do liên cầu khuẩn:
- Uống đúng, đủ liều lượng, thời gian theo toa đã kê của bác sĩ.
- Không tự ý ngưng kháng sinh cho dù bé đã hết sốt, hết đau họng và ăn uống trở lại bình thường.
- Một số loại kháng sinh như amoxicillin có thể gây tác dụng phụ tiêu chảy. Nếu bé đã từng bị tiêu chảy do uống kháng sinh thì nên làm các việc sau để hạn chế tiêu chảy khi uống kháng sinh:
+ Hạn chế ăn thức ăn cay, béo, nhiều dầu mỡ.
+ Bổ sung thêm nước, điện giải cho bé.
+ Có thể bổ sung thêm những chế phẩm sinh học chứa nấm men/vi khuẩn tự nhiên có lợi cho đường tiêu hoá như lactobacillus, bifidobacterium và đặc biệt là saccharomyces boulardii.
+ Liên hệ cho bác sĩ của bạn ngay nếu bé tiêu chảy nhiều lần trong ngày, có dấu hiệu mất nước hoặc không bù đủ nước, điện giải.
Bệnh viêm họng do liên cầu khuẩn rất nguy hiểm nếu không được điều trị đúng.
Điều trị viêm họng bằng corticosteroid
Một số khuyến cáo dùng corticosteroid (dexamethasone hoặc prednisolone) cho những bệnh nhân đau nhiều mà không đáp ứng với paracetamol.
Tuy nhiên hiện nay bằng chứng khoa học chưa đủ và chưa rõ ràng nên sử dụng hay không sử dụng tuỳ thuộc vào từng bệnh nhân và đánh giá của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý dùng corticosteroid khi không có ý kiến của bác sĩ.
Điều trị hỗ trợ
Tương tự như trong viêm họng cấp, phụ huynh có thể áp dụng các biện pháp sau để giảm triệu chứng cho bé và làm cho bé dễ chịu hơn:
- Cho bé nghỉ ngơi để mau hồi phục sức khoẻ
- Giảm đau, hạ sốt: Dùng paracetamol 10-15mg/kg/lần cách nhau mỗi 4-6 giờ. Dùng khi bé sốt hoặc đau nhiều mà ảnh hưởng tới tổng trạng của bé làm cho bé quấy khóc, bứt rứt, khó chịu...
- Bổ sung đẩy đủ nước: Khuyến khích trẻ uống nước nhiều hơn so với thường ngày.
- Nên tránh uống đồ uống chưa acid như nước chanh, nước cam, nước nho vì có thể làm cho bé đau cổ họng hơn
Đối với trẻ lớn thì các thực phẩm như súp, trà có đường nóng có thể giúp bé dễ chịu hơn.
Tránh lây nhiễm viêm họng cho người khác
Hướng dẫn trẻ che miệng khi ho để tránh lây lan viêm họng.
Viêm họng do liên cầu khuẩn có thể lây cho người thân trong gia đình, người chăm sóc bé hoặc bạn học cùng bé qua đường hô hấp, cho nên phải đặc biệt lưu ý các biện pháp để tránh lây nhiễm cho người khác:
- Nên có một bộ đồ ăn uống (chén, dĩa, muỗng, ly uống nước) dành riêng cho bé và rửa bằng nước xà phòng ấm sau mỗi lần dùng.
- Không dùng chung nước chấm với thành viên khác trong gia đình.
- Không dùng chung khăn mặt, khăn tắm hoặc khăn giấy với các thành viên khác trong gia đình.
- Đảm bảo bé che miệng bằng khăn giấy hoặc khuỷu tay khi xịt mũi ho hay hắt hơi.
- Rửa tay đúng cách, thường xuyên cho trẻ sau khi xịt mũi ho hay hắt hơi.
Khi nào cần cho trẻ đi khám lại ngay?
Cho trẻ đến khám lại ngay nếu trẻ có một trong các dấu hiệu sau:
- Các triệu chứng (sốt, đau họng….) không thuyên giảm sau 48 giờ điều trị bằng kháng sinh.
- Khó thở.
- Trẻ bỏ ăn, bỏ bú, có dấu hiệu mất nước.
- Không chịu chơi, nằm li bì, khó đánh thức
Tin nổi bật
- TPHCM: Phát hiện một công ty quảng cáo cung cấp dịch vụ truyền nước biển tại nhà trái phép
05/07/2024 - 10:58:42
- Thêm 2 ca tai biến thẩm mỹ, Bệnh viện Korea Star - Sao Hàn phải dừng hoạt động phẫu thuật
20/06/2024 - 10:55:38
- 'Loạn' hoạt động thẩm mỹ trái phép tại Quảng Bình
20/06/2024 - 10:00:35
- Thanh Hóa: Mập mờ tên gọi Phòng khám Đa khoa Hà Thành, 'ship' bệnh nhân đến cơ sở không phép khám bệnh
12/06/2024 - 10:35:47
- Phòng khám ngoại khoa Kinhealth - Địa chỉ “vàng” cho bệnh nhân bệnh trĩ, rò hậu môn
11/06/2024 - 16:48:20
- Xử lý ‘Viện phục hồi giãn tĩnh mạch Top 1 châu Âu” hoạt động trái phép ở quận 7
24/04/2024 - 11:05:38