Ung thư xương: Nguyên nhân, cách phòng ngừa và phương pháp điều trị
Hiện nay ở Việt Nam, ung thư xương đã trở thành một căn bệnh có thể được chữa khỏi nếu phát hiện ở giai đoạn sớm.
1. Nguyên nhân gây ung thư xương
Theo BSNT Hoàng Lê Minh, Bệnh viện K Trung ương, nguyên nhân gây ung thư xương bao gồm các tác nhân bên trong và tác nhân bên ngoài.
Tác nhân bên trong:
- Rối loạn di truyền là tác nhân bên trong, liên quan đến quá trình phân bào có gen biến dị. Điều đó giải thích tại sao ung thư xương xuất hiện chủ yếu ở người trẻ 12 – 20 tuổi. Bởi đây là độ tuổi xương phát triển mạnh.
- Ung thư liên bào võng mạc mắt là bệnh ung thư di truyền có thể kèm theo ung thư xương.
- Rối loạn gen P53, một gen ức chế ung thư làm mất khả năng kiểm soát các gen biến dị. Hậu quả là các tế bào dị sản nặng, phân bào nhiều lần rồi biến dạng thành tế bào ung thư.
- Một số bệnh lành tính của xương có thể chuyển dạng thành ung thư xương. Ví dụ như chồi xương sụn, quá phát bản sụn đầu xương dài, bệnh Paget của xương, loạn sản xơ.
- Những người có tiền sử sarcoma trong gia đình (ví dụ như hội chứng Li-Fraumeni) cũng có nguy cơ cao mắc bệnh xương khớp.
Ca thay toàn bộ xương đùi lần đầu tiên được thực hiện tại Bệnh viện K năm 2020 cho bệnh nhân nữ ung thư xương.
Tác nhân bên ngoài:
Một số yếu tố bên ngoài làm tăng nguy cơ mắc ung thư xương như:
- Xạ trị thời niên thiếu có thể xuất hiện ung thư xương ngoài 40 tuổi. Những người đã được xạ trị (thường là để điều trị một loại ung thư khác) có nguy cơ phát triển ung thư xương ở khu vực được điều trị. Nguy cơ này cao hơn ở những người được điều trị khi còn trẻ (đặc biệt là khi còn nhỏ) và những người được điều trị bằng liều lượng phóng xạ cao hơn.
- Đôi khi ung thư xuất hiện một thời gian ngắn sau khi bị va đập hoặc gãy xương. Có thể chấn thương làm bong màng xương, khởi động tế bào xương quá sản. Tuy nhiên, chưa khẳng định được chân thương là nguyên nhân gây ra ung thư xương hay chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên.
2. Ung thư xương được điều trị như thế nào?
Việc điều trị ung thư xương tùy thuộc vào loại ung thư xương bạn mắc phải và mức độ lan rộng của nó. Các phương pháp điều trị ung thư xương bao gồm:
Phẫu thuật
Nguyên tắc của phẫu thuật là lấy hết phần tổn thương ung thư và lấy rộng tổ chức cân cơ bị ung thư xâm lấn. Thông thường có thể tái tạo hoặc thay thế phần xương đã bị cắt bỏ, đôi khi cần phải cắt cụt chi trong trường hợp không thể bảo tồn.
Bệnh nhân nam 14 tuổi nhập viện với khối u lớn vùng cẳng chân phải, chẩn đoán u xương sụn.
Hóa trị
Điều trị bằng hóa chất ngày càng rộng rãi trong ung thư nguyên phát ở xương. Hóa trị giết chết các tế bào ung thư thế nhưng nó cũng làm hỏng một số tế bào bình thường, điều này có thể dẫn đến các tác dụng phụ (buồn nôn, rụng tóc, tiêu chảy…).
Xạ trị
Hầu hết ung thư xương không đáp ứng với xạ trị, tuy nhiên sarcoma Ewing (một loại ung thư xương hiếm gặp) tương đối nhạy cảm với xạ trị. Xạ trị dùng để bổ trợ sau phẫu thuật cho những bệnh nhân có nguy cơ cao, diện cắt tiếp cận.
Điều trị triệu chứng
Giảm đau, liệu pháp vận động, xạ trị chống đau, phẫu thuật hoặc xạ trị nếu có nguy cơ gãy xương cao.
Người mắc ung thư xương sống được bao lâu? Đây là câu hỏi được rất nhiều người quan tâm. Dưới đây là thống kê về tỷ lệ sống trên 5 năm cho bệnh nhân ung thư xương:
- Giai đoạn I: 80%;
- Giai đoạn II: 70%;
- Giai đoạn III: 60%;
- Giai đoạn IV: 20 – 50%.
Ngoài ra, mô hình thống kê từ Viện Ung thư Quốc gia (NCI) cho thấy các trường hợp ung thư xương tăng trung bình 0.4% mỗi năm trong những năm 2006 – 2015. Ngược lại, trong thời gian này, tỉ lệ tử vong trung bình mỗi năm cũng đã giảm đi 0.3%. Do đó, bệnh nhân không nên quá bi quan nếu được chẩn đoán ung thư xương.
"Ở các nước phát triển, nếu phát hiện sớm, bệnh ung thư xương vừa có thể chữa trị và vừa bảo tồn chi ngay ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên ở Việt Nam, bệnh nhân ung thư xương, ung thư phần mềm thường tìm đến Bệnh viện K ở giai đoạn đã muộn. Trước đây tỷ lệ bệnh nhân ung thư phải cắt cụt chi rất cao. Tuy nhiên hiện nay, các bác sĩ tại Bệnh viện K đã nghiên cứu để bảo tồn phần lớn chi cho các bệnh nhân khi phẫu thuật với những kết quả ban đầu rất khả quan" – ThS.BSNT Hoàng Lê Minh (Bệnh viện K Trung ương) nói.
3. Làm gì để ngăn ngừa ung thư xương?
Hiện tại chưa có cách nào để ngăn ngừa được ung thư xương. Việc phát hiện bệnh sớm là hy vọng tốt nhất để điều trị bệnh thành công. Hầu hết các nguy cơ bên trong như chẳng hạn như tuổi tác, một số bệnh về xương và tình trạng di truyền… đều không thể thay đổi được.
Nếu phát hiện ở giai đoạn sớm, ung thư xương có thể chữa trị được.
Ngoài việc tiếp xúc với bức xạ (thường là trong quá trình xạ trị), không có nguyên nhân gây ung thư xương nào liên quan đến lối sống hoặc môi trường. Vì vậy tại thời điểm này không có cách nào để chống lại bệnh ung thư này. Tuy nhiên bạn có thể thực hiện một số phương pháp sau để giảm thiểu nguy cơ ung thư xương:
Chế độ dinh dưỡng
- Bổ sung canxi, magie và stronti trong chế độ ăn hằng ngày.
- Giảm đồ ăn nhiều chất béo, dầu mỡ.
- Tăng cường rau xanh, trái cây và các thực phẩm giàu acid béo Omega-3 thay thịt đỏ và thịt nạc…
Chế độ sinh hoạt
- Duy trì lối sống khỏe mạnh, tránh xa các chất kích thích (rượu bia, thuốc lá…), tập luyện thể dục thể thao thường xuyên để tăng cường sức khỏe, tăng sức đề kháng.
- Hấp thụ vitamin D bằng cách phơi nắng vào sáng sớm giúp giảm nguy cơ ung thư xương.
- Hạn chế tiếp xúc với không khí ô nhiễm và tia UV
- Nếu gia đình bạn có người mắc bệnh ung thư xương, cần lưu ý các dấu hiệu bất thường đồng thời khám sức khỏe định kỳ để phát hiện những dấu hiệu sớm của ung thư xương.
- Tránh tiếp xúc với hóa trị, xạ trị. Người còn trẻ tiếp xúc với hóa trị, xạ trị khi còn trẻ sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư xương.
Tin nổi bật
- Người phụ nữ cùng lúc mắc 2 loại ung thư
28/06/2024 - 09:50:34
- Điều trị ung thư bàng quang
20/06/2024 - 10:36:13
- Các lựa chọn điều trị ung thư thận
19/06/2024 - 11:15:28
- Các loại thuốc điều trị ung thư thực quản
17/06/2024 - 14:31:44
- Bài tập cho người ung thư dương vật
14/06/2024 - 09:51:01
- Sụt cân, vàng da... dấu hiệu của bệnh ung thư ác tính
12/06/2024 - 10:41:43