Tác dụng phụ thuốc trúng đích chữa ung thư
Nhiều bệnh nhân đang điều trị ung thư tại nhà bằng một số thuốc trúng đích đã gặp phải nhiều tác dụng phụ như tăng huyết áp, viêm da, phát ban, tiêu chảy...
Theo tài liệu hướng dẫn của Bệnh viện K, Hà Nội, điều trị ung thư có nhiều phương pháp như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, miễn dịch... Những năm gần đây có thêm liệu pháp nhắm trúng đích, được đánh giá rất hiệu quả, giúp bệnh nhân kéo dài sự sống. Thường được áp dụng trên những bệnh nhân ung thư giai đoạn muộn, di căn xa mà cách điều trị tại chỗ không thực hiện được.
Liệu pháp điều trị đích ung thư là một phương pháp trị ung thư bằng cách uống thuốc. Mỗi loại ung thư sẽ có loại thuốc đích khác nhau. Khác với điều trị bằng hóa chất, tia xạ, khi vào cơ thể, thuốc đích chỉ tiêu diệt các tế bào ung thư mà không làm tổn thương các tế bào khỏe mạnh. Khối u bị ngăn chặn sự phát triển, ngừng lan rộng, thậm chí tiêu biến.
Tới nay, nhiều loại thuốc trong nhóm liệu pháp điều trị trúng đích đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt để sử dụng trong điều trị ung thư. Một số loại thuốc đích phổ biến được các bác sĩ kê đơn hiện nay như Sorafenib điều trị ung thư gan, thận, tuyến giáp. Regorafenib trị ung thư gan, u mô đệm đường tiêu hóa, ung thư đại trực tràng. Sunitinib và Pazopanib điều trị ung thư thận...
Thuốc đích được bác sĩ chuyên khoa ung thư kê đơn và có thể điều trị ngoại trú tại nhà.
Theo Quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư Việt Nam, trong quá trình điều trị bằng thuốc đích, người bệnh sẽ gặp một số tác dụng không mong muốn với tần suất tương đối cao. Tuy nhiên, người bệnh không cần hoang mang vì các tác dụng phụ này có thể dự phòng, xử lý và giảm thiểu được mà không cần đến bệnh viện.
So với nguy cơ, lợi ích mà thuốc đích mang lại cho quá trình điều trị nhiều hơn gây hại. Đây còn là dấu hiệu của việc cơ thể đáp ứng thuốc tốt hơn. Người bệnh nên chủ động tìm hiểu và phòng ngừa trước khi dùng thuốc.
Các tác dụng phụ thường gặp khi điều trị thuốc đích:
Phản ứng da bàn tay, bàn chân: Thường xảy ra ở giai đoạn sớm trong 2-4 tuần đầu điều trị và giảm dần theo thời gian. Lòng bàn tay, bàn chân, các điểm tỳ đè có dấu hiệu đỏ da, da nhạy cảm hoặc tê bì, có cảm giác đau nhói như kim châm. Nghiêm trọng hơn, da sưng đỏ, nổi chai sần, đau rát, khô nẻ, nổi bọng nước.
Bệnh nhân nên hạn chế vận động mạnh, xách nặng, cầm nắm quá lâu, giảm áp lực lên các đầu ngón tay, chân. Đồng thời, bôi kem dưỡng ẩm làm mềm da, tránh tắm nước quá nóng, không rửa tay bằng nước có cồn.
Da đầu ngứa, bong thành từng mảng lớn do tác dụng phụ của thuốc đích khi điều trị ung thư. Ảnh: Bệnh viện Bạch Mai
Phát ban, tróc vẩy trên da: Chủ yếu xảy ra trong chu kỳ điều trị đầu tiên và giảm dần trong các chu kỳ tiếp theo. Da lúc này vô cùng nhạy cảm với ánh sáng mặt trời và nước nóng, dễ nóng rát, phồng rộp, nổi ban đỏ giống như mụn trứng cá. Da đầu người bệnh thường bị khô, da tróc thành từng mảng lớn.
Triệu chứng phát ban, tróc da ngăn ngừa được bằng cách sử dụng dầu gội trị gầu, thoa thuốc chống ngứa, kem chống nắng khi ra ngoài.
Tăng huyết áp, mệt mỏi: Tăng huyết áp thường xảy ra sớm trong quá trình điều trị. Trước và trong khi dùng thuốc, bệnh nhân sẽ phải kiểm tra huyết áp thường xuyên hàng tuần trong tất cả các chu kỳ. Bác sĩ khuyên bệnh nhân cần ăn nhạt vị, kiêng thuốc lá, đồ uống có cồn và cafein.
Người bệnh nên duy trì lịch làm việc và sinh hoạt xã hội bình thường. Thực hiện các bài tập vận động nhẹ nhàng như thiền, yoga giúp giảm bớt mỏi mệt và ổn định huyết áp. Nếu thấy mệt mỏi quá sức, cần nhanh chóng thông báo cho bác sĩ. Có thể bác sĩ sẽ giảm liều lượng hoặc thay đổi thuốc đích để phù hợp với thể trạng bệnh nhân.
Tiêu chảy: Tình trạng tiêu chảy thường xảy ra ở tất cả các bệnh nhân điều trị ung thư bằng tây y. Bệnh nhân tránh ăn quá no, nên ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày, uống nhiều nước hoặc thức ăn lỏng. Không được uống nước quá nóng hoặc quá lạnh. Cần uống ít nhất một ly nước sau mỗi lần tiêu lỏng.
Có thể uống thuốc loperamide chống tiêu chảy. Liều dùng 2 viên 2mg sau lần đại tiện lỏng đầu tiên, sau đó từ 2-4 giờ uống một viên, trong tối đa 48 giờ. Nếu thuốc không kiểm soát được tình trạng tiêu chảy thì khuyến khích nhập viện.
Viêm miệng: Chứng viêm miệng sẽ xảy ra từ ngày thứ 5-14 từ khi bắt đầu uống thuốc đích. Để phòng ngừa, người bệnh nên chải răng bằng bàn chải mềm với kem đánh răng chứa flouride sau mỗi bữa ăn và trước khi đi ngủ. Không ăn đồ cay nóng, xúc miệng thường xuyên bằng nước muối để giảm tối đa nguy cơ loét miệng, loét họng.
Thư Anh
Link nguồn:
https://vnexpress.net/tac-dung-phu-thuoc-trung-dich-chua-ung-thu-4117977.html
Thei vnexpress.net
Tin nổi bật
- Người phụ nữ cùng lúc mắc 2 loại ung thư
28/06/2024 - 09:50:34
- Điều trị ung thư bàng quang
20/06/2024 - 10:36:13
- Các lựa chọn điều trị ung thư thận
19/06/2024 - 11:15:28
- Các loại thuốc điều trị ung thư thực quản
17/06/2024 - 14:31:44
- Bài tập cho người ung thư dương vật
14/06/2024 - 09:51:01
- Sụt cân, vàng da... dấu hiệu của bệnh ung thư ác tính
12/06/2024 - 10:41:43