Ung thư đường tiêu hóa là gì?
Ung thư đường tiêu hóa dễ nhầm lẫn với những bệnh về tiêu hóa thông thường nên người bệnh thường chủ quan, khi phát hiện đã ở giai đoạn muộn.
Ung thư đường tiêu hóa bao gồm ung thư vùng miệng, vòm họng, thực quản, dạ dày, ruột non, đại trực tràng và hậu môn. Bác sĩ Trần Quốc Khánh, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, cho biết nhóm ung thư này chiếm 30% trong các loại ung thư, phổ biến ở người châu Á, cả nam lẫn nữ giới đều có nguy cơ mắc như nhau. Bệnh ung thư đường tiêu hóa phổ biến là thực quản, dạ dày, đại tràng, trực tràng và hậu môn.
Tầm soát phát hiện sớm
Ung thư đường tiêu hóa là căn bệnh âm thầm, hầu như không có triệu chứng mặc dù khối u đã xuất hiện và phát triển suốt một thời gian dài. Các triệu chứng như đi ngoài phân đen, tắc ruột, đau bụng, chán ăn, gầy sút cân... Rất ít người chủ động tầm soát định kỳ hằng năm để phát hiện sớm tổn thương ở dạng tiền ung thư.
Ung thư đường tiêu hóa được chẩn đoán hết sức nhanh gọn bằng cách nội soi toàn bộ đường tiêu hóa, nếu có tổn thương nghi ngờ sẽ sinh thiết và xét nghiệm tìm tế bào ung thư. Nội soi tiêu hóa là nội soi dạ dày - tá tràng - đại tràng - trực tràng. Đây là một trong những phương pháp hiện đại nhất hiện nay giúp chẩn đoán chính xác và dễ dàng các bệnh lý liên quan đến đường tiêu hóa.
Có thể nội soi tiêu hóa thường hoặc nội soi tiêu hóa không đau. Với nội soi tiêu hóa thường, ống nội soi được đưa vào từ đường mũi/họng (nội soi tiêu hóa trên) hoặc qua hậu môn (nội soi tiêu hóa dưới), bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo, không gây mê. Với nội soi tiêu hóa không đau, bác sĩ đưa ống nội soi vào theo đường mũi họng hoặc đường hậu môn khi bệnh nhân đã ngủ an thần. Quá trình gây mê thường diễn ra ngắn nên người bệnh có thể tỉnh táo ngay sau khi kết thúc quá trình nội soi. Nội soi tiêu hóa tầm soát polyp có thể phát hiện ung thư ruột già, 80-90% trường hợp ung thư ruột già do phát triển từ polyp.
"Mỗi người cần nội soi toàn bộ đường tiêu hóa định kỳ 6 tháng một lần", bác sĩ Khánh khuyên. Người trên 40 tuổi gầy sút hoặc có hội chứng dạ dày cần được soi dạ dày kiểm tra. Người ngoài 40 tuổi nên làm xét nghiệm máu trong phân, nội soi đại trực tràng 3-5 năm một lần. Người có tiền sử gia đình mắc bệnh và có đa polyp đại trực tràng, thường xuyên đau âm ỉ vùng thượng vị, viêm loét dạ dày, đại tiện ra máu... thì cần thăm khám (gồm soi đại trực tràng, dạ dày) thường xuyên hơn để phát hiện bệnh sớm.
Ung thư đường tiêu hóa không có triệu chứng, dễ nhầm lẫn các bệnh tiêu hóa khác nên phải tầm soát định kỳ hàng năm. Ảnh: Medscape |
Nguyên nhân
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến ung thư đường tiêu hóa như gene di truyền, tuổi tác, ô nhiễm môi trường, lối sống, chế độ ăn uống... Trong đó, những thói quen gây bệnh hàng đầu là uống rượu thường xuyên gây bỏng niêm mạc đường tiêu hóa, ăn nhiều thịt đỏ, ít ăn rau, ăn thực phẩm muối mặn lâu ngày như cà, dưa muối, ăn thực phẩm cháy sém, thịt nướng, đồ ăn quá nóng hay quá lạnh.
Nhóm có nguy cơ cao là người có bệnh lý viêm loét đại tràng chảy máu mạn tính, đa polyp đại tràng, tiền sử gia đình có người ung thư đường tiêu hóa, người bị viêm loét dạ dày mạn tính, đặc biệt viêm loét bờ cong nhỏ dạ dày. Người béo phì, trào ngược dạ dày thực quản đều có nguy cơ cao bị ung thư đường tiêu hóa. Những người mắc các bệnh về đường tiêu hóa nhưng không được điều trị đúng, bệnh trở thành mạn tính được đánh giá có nguy cơ bị ung thư cao hơn. Khối u (polyp) lành tính nếu không cắt bỏ sớm, để lâu ngày cũng dễ chuyển sang ác tính.
Bác sĩ cho biết khi có những dấu hiệu như giảm cân không rõ nguyên nhân, đầy hơi, hơi thở có mùi, thay đổi thói quen đi đại tiện, cần đến bệnh viện khám ngay.
Điều trị và phòng ngừa
Phẫu thuật loại bỏ khối u là giải pháp điều trị chính, kết hợp với điều trị hóa chất và xạ trị. Phát hiện sớm bệnh là yếu tố quyết định hiệu quả điều trị.
Theo bác sĩ Khánh, nên thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục thể thao hàng ngày. Hạn chế dùng thực phẩm có chứa aflatoxin, nitrosamine (trong món ướp muối, lên men, hun khói), nấm mốc và các chất độc hại khác. Bổ sung nhiều rau quả, thực phẩm giàu chất xơ, selen, vitamin A, C có khả năng phòng chống ung thư tiêu hóa như trà xanh, súp lơ xanh, ngũ cốc, các loại rau xanh, cà tím... Hạn chế dùng đồ nhựa để đựng, che phủ thức ăn, đặc biệt là không dùng đồ nhựa để hâm nóng thức ăn trong lò vi sóng. Tránh thuốc lá và rượu bia.
Đặc biệt, nên thận trọng với tất cả cơn đau ở hệ tiêu hóa. Không tự ý dùng thuốc tiêu hóa, không kéo dài quá trình bệnh lý tiêu hóa mà không biết rõ ràng nguyên nhân và nên đi khám để phát hiện sớm, điều trị kịp thời.
Thúy Quỳnh
Tin nổi bật
- Người phụ nữ cùng lúc mắc 2 loại ung thư
28/06/2024 - 09:50:34
- Điều trị ung thư bàng quang
20/06/2024 - 10:36:13
- Các lựa chọn điều trị ung thư thận
19/06/2024 - 11:15:28
- Các loại thuốc điều trị ung thư thực quản
17/06/2024 - 14:31:44
- Bài tập cho người ung thư dương vật
14/06/2024 - 09:51:01
- Sụt cân, vàng da... dấu hiệu của bệnh ung thư ác tính
12/06/2024 - 10:41:43