U cục ở ngực giúp cô gái trẻ phát hiện ung thư vú giai đoạn 2
Khối u ở vùng trung tâm ngực khiến cô gái 29 tuổi phải cắt toàn bộ tuyến vú mà không thể bảo tồn.
"Tôi không nghĩ ung thư vú có thể mắc ở độ tuổi trẻ như vậy", bệnh nhân trẻ bàng hoàng chia sẻ khi nghe bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, kết luận ung thư, vào tháng trước. Cô gái vẫn chưa lập gia đình. Trước đó cô tình cờ sờ thấy khối u cục ở giữa vú của mình.
Bác sĩ Vũ Anh Tuấn, Khoa Phẫu thuật lồng ngực và mạch máu, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết cô gái này là một trong số nhiều bệnh nhân phát hiện ung thư vú khi tuổi còn rất trẻ. Thông thường tuổi bệnh nhân ung thư vú sau 40, nên bác sĩ cũng khuyến cáo phụ nữ tuổi tứ tuần nên thường xuyên tầm soát ung thư vú.
Chụp X-quang tuyến vú để tầm soát ung thư. Ảnh: Mai Thanh.
Cô gái nay sau khi phẫu thuật ổn định sẽ bắt đầu phác đồ điều trị bằng hóa chất. Sau một năm, các bác sĩ sẽ đánh giá tổng trạng bệnh nhân xem có tổn thương ung thư tái phát ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể. Nếu ổn, bệnh nhân sẽ được phẫu thuật tái tạo hình thể vú.
Hiện, có 2 xu hướng tái tạo vú là sử dụng mô tự thân và sử dụng chất liệu thay thế. Bệnh nhân ung thư giai đoạn sớm và vị trí khối u ở vùng rìa tuyến vú hoặc khối u chưa có biểu hiện xâm lấn, bác sĩ có thể thực hiện kỹ thuật bảo tồn, đặc biệt là với người trẻ. Bảo tồn luôn đi đôi với xạ trị, dùng hóa chất đúng phác đồ, sau đó theo dõi và khám định kỳ tốt. Phẫu thuật bảo tồn ưu điểm là có thể giữ lại hình thể tuyến vú một cách tự nhiên cho bệnh nhân, đảm bảo tính thẩm mỹ, nhất là với người trẻ tuổi, chưa lập gia đình.
Ung thư vú phổ biến nhất ở phụ nữ trên toàn thế giới, với trên một triệu trường hợp mới mắc hàng năm. Tại Việt Nam, tần suất mắc bệnh tăng gấp đôi trong vòng 2 thập kỷ gần đây, từ 13,8/100.000 (năm 2000) lên 29,9/100.000 phụ nữ (năm 2010). Hàng năm cả nước có khoảng hơn 12.000 phát hiện ung thư vú, chiếm trên 20% số ca ung thư ở nữ giới.
"Ung thư vú có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm", bác sĩ Tuấn nói. Trước đây, hầu hết bệnh nhân phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, hoặc ở phụ nữ từ 40 tuổi trở lên, khi các triệu chứng lâm sàng đã rõ ràng, khiến hiệu quả điều trị bệnh thấp. Ung thư vú nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm có thể chữa khỏi hoàn toàn.
Chụp X-quang tuyến vú là phương pháp cơ bản nhất trong sàng lọc bệnh, được khuyến cáo áp dụng ở tất cả phụ nữ trên 40 tuổi và chụp định kỳ hàng năm.
Bệnh nhân ung thư vú phát hiện sớm có tỷ lệ thời gian sống trên 5 năm tới 85,6% so với tỷ lệ 67,7% trước đây. Vì thế, các chuyên gia nhấn mạnh phụ nữ nên tầm soát định kỳ để phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm. Nếu trong gia đình có người thân từng bị mắc bệnh thì những phụ nữ trong gia đình nên đi tầm soát sớm. Hàng tháng, sau khi sạch kinh, các chị em nên tự sờ hai tuyến vú của mình, nếu thấy có bất kỳ dấu hiệu gì bất thường thì cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Lê Nga
Tin nổi bật
- Người phụ nữ cùng lúc mắc 2 loại ung thư
28/06/2024 - 09:50:34
- Điều trị ung thư bàng quang
20/06/2024 - 10:36:13
- Các lựa chọn điều trị ung thư thận
19/06/2024 - 11:15:28
- Các loại thuốc điều trị ung thư thực quản
17/06/2024 - 14:31:44
- Bài tập cho người ung thư dương vật
14/06/2024 - 09:51:01
- Sụt cân, vàng da... dấu hiệu của bệnh ung thư ác tính
12/06/2024 - 10:41:43