Thực phẩm giúp giữ ấm, tăng đề kháng ngày lạnh
Trà gừng, trà xanh, hoa cúc hoặc trái cây, rau củ giúp làm ấm cơ thể, tăng đề kháng, chống chọi bệnh tật khi tiết trời giá rét.
Miền Bắc đang bước vào đợt cao điểm rét hại, vùng đồng bằng rét dưới 10 độ C. Các chuyên gia khuyến cáo mọi người nên duy trì chế độ ăn uống cân bằng và đầy đủ dưỡng chất để cơ thể khỏe mạnh, trong đó chú trọng thực phẩm làm ấm cơ thể, như sau:
Trà gừng
Lương y Bùi Đắc Sáng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ, cho biết trong gừng chứa tinh dầu 2-3%, nhựa dầu 5%, dầu mỡ 3,7%, tinh bột, chất cay (zingeron, zingerol, sogal). Gừng sống (sinh khương) có vị cay, tính hơi ấm, tác dụng chống lạnh, tiêu đờm, chặn nôn, giúp tiêu hóa. Gừng nướng cháy (thán khương) trị đau bụng lạnh dạ đi ngoài. Gừng khô (can khương) tác dụng tán hàn, trị cảm lạnh, thổ tả.
Có thể pha trà gừng theo hai cách. Thứ nhất là trà gừng chanh: Cho gói trà lọc vào một chiếc cốc to, tiếp theo thêm gừng và vài lát chanh tươi. Sau đó đổ nước sôi, ngâm trong vòng 5 phút, cuối cùng thêm một thìa mật ong.
Trà gừng quế: Cho túi trà lọc, gừng, quế (bẻ đôi) và lát chanh vào một chiếc cốc to, sau đó đổ nước sôi vào cốc. Sau khoảng 5 phút, lọc hết phần bã để lấy nguyên nước trà, cho thêm ít mật ong và khuấy đều.
Bí ngô
Bí ngô vừa là thực phẩm nhiều dinh dưỡng, vừa là một cây thuốc quý. Trong y học cổ truyền, bí ngô vị ngọt, tính hơi ôn, tác dụng bổ trung ích khí, thường chữa đau đầu chóng mặt, mắt kém. Trời lạnh, ăn một canh bí ngô giúp làm ấm cơ thể.
Đặc biệt, 3 dưỡng chất chính trong bí ngô là chất xơ, vitamin A và vitamin C. Vitamin C chống lại các gốc tự do trong cơ thể, ngăn ngừa dấu hiệu lão hóa như nếp nhăn, bảo vệ làn da chống lại các tác hại của ánh nắng mặt trời và ngăn ngừa tình trạng mất nước, khô da, nhất là vào mùa lạnh.
Trà xanh
Trà xanh. Ảnh: epicurious
Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, cho biết chất flavonoid trong trà xanh giúp hạn chế quá trình oxy hóa cholesterol xấu, hỗ trợ giảm huyết áp, giãn mạch máu.
Với người bệnh tiểu đường type 2, lượng đường trong máu cao do insulin (chất giúp chuyển hóa đường trong cơ thể) giảm nhạy cảm hoặc cơ thể không tự sản xuất được. Lúc này, trà xanh giúp cải thiện độ nhạy với insulin. Trà xanh cũng hỗ trợ giảm cân, do chứa caffein giúp tăng cường chuyển hóa chất béo thành năng lượng và thúc đẩy trao đổi chất. Trong trà có caffein, L-theanie giúp cải thiện sự tỉnh táo của não bộ.
Do đó, trà xanh là thức uống nóng được khuyến khích trong mùa đông lạnh. Mọi người nên uống 2-3 tách trà (tương đương khoảng 1000 ml) mỗi ngày, uống buổi sáng sau bữa ăn sẽ giúp tỉnh táo, làm việc hiệu quả, nâng cao sức đề kháng cơ thể. Sau khi ăn nhiều dầu mỡ, nên uống trà nóng và không quá nhiều, để giúp tiêu hóa tốt hơn.
Lưu ý không uống trà quá đặc do trà chứa lượng caffein cao, kích thích thần kinh, tăng độ hưng phấn. Tránh uống trà trước khi đi ngủ do ảnh hưởng đến chất lượng và thời gian ngủ.
Trà hoa cúc
Trà hoa cúc không chỉ giúp cơ thể giữ ấm trong mùa lạnh mà còn có nhiều tác dụng bổ ích khác. Khác với trà xanh, trà hoa cúc không chưa caffein, vì vậy không ảnh hưởng đến giấc ngủ. Ngược lại, loại trà này có apigenin, chất chống oxy hóa liên kết với một số cơ quan trong não bộ, có thể giúp giảm chứng mất ngủ.
Uống trà hoa cúc có lợi cho người thường xuyên mất ngủ, dịu thần kinh, đẹp da. Ảnh: Health
Trà hoa cúc cũng giúp tăng sức khỏe tim mạch do có hàm lượng flavones dồi dào. Theo y học cổ truyền, hoa cúc trắng có tác dụng thanh nhiệt, tiêu độc, chống viêm. Vị thanh mát, hơi đắng của trà có thể phù hợp để sử dụng uống hằng ngày. Mọi người nên sử dụng khoảng 3-6 bông hoa cúc pha cùng 250 ml nước, mỗi ngày chỉ nên dùng 3 cốc.
Để pha trà, dùng một vài bông hoa cúc khô hoặc một thìa bột hoa cúc khô vào cốc nước nóng khoảng 80-90 độ, khuấy đều và hãm trà trong 3-5 phút, có thể lọc bỏ cặn nếu cần. Để tăng hương vị trà, có thể bổ sung thêm mật ong hữu cơ.
Trái cây, rau xanh đậm, ngũ cốc tăng đề kháng
Thạc sĩ Trương Nhật Khuê Tường, Khoa Dinh dưỡng Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, cho biết vitamin, chất khoáng, chất xơ rất quan trọng trong tăng cường hệ miễn dịch cơ thể. Các loại trái cây giàu vitamin C, A, kẽm, chất xơ, polyphenol (chất chống oxy hóa) như sơ ri, ổi, ớt chuông, cam quýt, dâu. Đặc biệt, cam chứa nhiều vitamin C. Một quả cam có thể cung cấp đủ nhu cầu vitamin cho cơ thể trong ngày.
Các loại rau màu xanh đậm và bông cải xanh chứa nhiều vitamin C, E, giúp tăng cường miễn dịch. Bên cạnh đó, các thực phẩm gia vị như tỏi, hành, gừng, nấm có các thành phần chống viêm giúp tăng cường hoạt động của các tế bào miễn dịch, có thể sử dụng chúng trong bữa ăn hằng ngày để tăng sức đề kháng.
Chất xơ hòa tan có trong ngũ cốc, gạo ít xay xát, yến mạch, khoai lang... là chất prebiotic, giúp nuôi dưỡng lợi khuẩn trong cơ thể, có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, bạn cũng nên tăng cường bổ sung vào mùa lạnh.
Ngoài ra, nước rất quan trọng đối với mọi quá trình sinh lý trong cơ thể. Khi cơ thể bị mất nước, hoạt động chống lại tác nhân gây bệnh cũng ảnh hưởng. Dù trời lạnh, cơ thể cũng cần uống đủ nước, ít nhất 1,5 lít mỗi ngày và nhiều hơn khi khi làm việc nặng, tập thể dục, đổ mồ hôi nhiều.
Tin nổi bật
- 5 nguồn thực phẩm tự nhiên bổ sung chất điện giải
04/07/2024 - 10:08:17
- 7 thực phẩm tự nhiên tốt cho người mất ngủ
02/07/2024 - 10:21:44
- Uống nhiều nước ngọt, bạn có nguy cơ mắc bệnh gì?
01/07/2024 - 10:09:00
- Ăn quá nhiều đường phá hủy cơ thể bạn như thế nào?
27/06/2024 - 09:56:06
- Ăn giấm táo thường xuyên có tốt cho tiêu hóa và giảm cân không?
26/06/2024 - 14:54:55
- 10 loại thực phẩm giúp nâng cao hiệu quả tập luyện
24/06/2024 - 10:57:24