Một nghiên cứu mới cho thấy phô mai cải thiện độ nhạy insulin ở chuột bị tiền tiểu đường, theo Medical News Today.
Liệu có thực sự là những người mắc bệnh tiểu đường có thể được hưởng lợi từ việc ăn phô mai?
Phô mai chứa chất béo và muối là chủ đề gây tranh cãi khi nói đến bệnh tiểu đường và sức khỏe nói chung.
Trong khi nhiều người thích ăn món này, thì Hiệp hội Tiểu đường Mỹ khuyến nghị nên ăn các loại ít chất béo hơn so với phô mai béo thông thường.
Một nghiên cứu gần đây đã gây tranh cãi bằng cách chỉ ra rằng cả phô mai béo thông thường và phô mai ít béo đều cải thiện độ nhạy insulin ở chuột bị tiền tiểu đường, theo Medical News Today.
Phô mai cải thiện độ nhạy insulin
Trong nghiên cứu này, giáo sư Catherine Chan từ Đại học Alberta ở Edmonton (Canada) và các cộng sự đã xem xét những con chuột bị tiền tiểu đường được cho ăn phô mai thông thường khác như thế nào so với ăn phô mai ít béo .
Nhóm nghiên cứu đã cho chuột ăn chế độ ăn nhiều chất béo trong 4 tuần để khiến chúng bị tiền tiểu đường.
Sau đó, họ đã cho thêm phô mai thông thường hoặc phô mai ít béo vào chế độ ăn của một số con chuột trong 10 tuần tiếp theo. Những con chuột trong nhóm đối chứng nhận được chế độ ăn ít chất béo trong suốt nghiên cứu.
Kết quả là không có sự khác biệt về mức đường huyết lúc đói hoặc insulin lúc đói sau khi chuột theo các chế độ ăn thử nghiệm trong 10 tuần.
Khi nhóm nghiên cứu kiểm tra khả năng điều chỉnh lượng đường trong máu của những con chuột sau khi tiêm insulin, kết quả cho thấy những con chuột ăn chế độ ăn nhiều chất béo có ăn thêm phô mai có kết quả tương tự như những con ăn chế độ ăn ít chất béo.
Tuy nhiên, kết quả khác biệt đáng kể ở những con chuột ăn chế độ ăn nhiều chất béo mà không được cho ăn thêm phô mai.
Chan giải thích kết quả trong một thông cáo báo chí rằng: Phô mai không bình thường hóa toàn bộ tác dụng của insulin, nhưng nó đã cải thiện đáng kể chúng. Và tác dụng của phô mai ít béo và phô mai thông thường là như nhau, theo Medical News Today.
Tuy nhiên, khi nhóm nghiên cứu sử dụng một xét nghiệm khác - xét nghiệm dung nạp glucose đường uống, đo nồng độ đường trong máu trước và sau khi dùng liều cao glucose, họ không tìm thấy sự khác biệt trong phản ứng của các con chuột.
Điều này cho thấy tất cả những con chuột tiền tiểu đường trong nghiên cứu đều có thể đối phó với sự tăng đột biến lượng đường trong máu theo cùng một cách, cho dù chúng có chế độ ăn ít chất béo, chế độ ăn nhiều chất béo hay ăn phô mai.
Chen và nhóm nghiên cứu tiếp tục xem xét một loạt các chất chuyển hóa trong máu của những con chuột này Họ phát hiện ra rằng một số phospholipid là tương tự nhau ở chuột ăn phô mai và chuột ăn chế độ ít chất béo, nhưng lại khác biệt ở chuột ăn chế độ giàu chất béo, theo Medical News Today.
Phospholipids rất cần thiết để duy trì chức năng khỏe mạnh của tế bào và các nhà khoa học đã biết có sự liên quan giữa sự thay đổi nồng độ phospholipid bình thường với tình trạng kháng insulin và tiểu đường.
Phô mai và nguy cơ tiểu đường
Mặc dù có thể thiết lập mối liên hệ giữa yếu tố tiêu thụ phô mai sự phát triển của bệnh tiểu đường, thật không dễ để chứng minh cơ chế liên quan giữa hai yếu tố này.
Chan không phải là người đầu tiên xem xét mối liên hệ giữa phô mai và bệnh tiểu đường, mặc dù cô là một trong số ít nhà nghiên cứu cố gắng tìm hiểu chính xác phô mai ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất như thế nào. Đây cũng là nghiên cứu đầu tiên đưa ra tuyên bố táo bạo rằng tiêu thụ phô mai có thể cải thiện độ nhạy insulin, theo Medical News Today.
Nghiên cứu được tài trợ bởi Liên minh châu Âu để nghiên cứu sự tương tác giữa di truyền và lối sống trong sự phát triển của bệnh tiểu đường. Nghiên cứu đã cho thấy tổng lượng sữa tiêu thụ không tác động tích cực hay tiêu cực đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Các tác giả suy luận có thể sự giảm nhẹ nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2 là do qua trung gian các a xít béo bão hòa hoặc vi sinh vật có trong phô mai.
Thiên Lan