Nám da có khó chữa không?
Khi tra cứu từ khóa “nám da” trên Google, ta nhận được khoảng 83 triệu kết quả trong 0.39 giây - một con số khổng lồ về thông tin tra cứu, điều này chứng tỏ “nám da” là một trong điều được quan tâm về làm đẹp của nhiều người.
Tác dụng của Laser trong điều trị Nám. Ảnh: Bác sĩ cung cấp
Chúng tôi vừa có cuộc trao đổi ngắn với bác sĩ CK2 Nguyễn Thanh Hùng (Phòng khám Dr Hung Skin Health Clinic) về chủ đề nám da:
- Thưa bác sĩ, nám da là gì? Nó khác với sạm da như thế nào?
Bác sĩ CK2 Nguyễn Thanh Hùng: Sạm da là 1 tình trạng tập trung nhiều chất melanin (có màu đen) trong làn da. Bình thường, melanin vẫn có và phân bố đều trong da; nhưng khi xuất hiện với số lượng lớn, tập trung tại vài vùng thì nó làm cho da có màu sẫm hơn. Sạm da có nhiều loại: tàn nhang, nám da, đồi mồi, đốm nâu…
Nám da thường gặp ở phụ nữ trên 30 tuổi; là những mảng da sẫm màu, hơi xám, ở 2 gò má, ngang qua sống mũi hoặc lan xuống cằm hoặc trán. Nam giới thường ít bị hơn.
- Thưa bác sĩ, người ta hay dùng từ “nám chân sâu”. Vậy, “nám chân sâu” là gì?
Thực ra trong y học không có từ “nám chân sâu”. Làn da theo giải phẫu có thể chia làm 2 lớp: thượng bì (nông) và bì (phần sâu hơn). Từ “nám chân sâu” tuy mộc mạc nhưng khá hay và rất hình tượng. Chúng ta sẽ hình dung nám da như một cái cây: có chân từ lớp đáy thượng bì, gần lớp bì. Cây này có nhiều nhánh lan toả khắp nơi trong thượng bì và melanin liên tục được tạo ra do kích thích của ánh nắng, do nội tiết tố, sẽ theo những nhánh cây đó đi lên lớp trên cùng của làn da…
Để điều trị đúng, ta cần biết vị trí của sắc tố melanin nằm ở đâu trong da để có phương pháp phù hợp.
- Như vậy là nám da rất khó chữa phải không?
Khó chữa chứ không phải là chữa không được. Có nhiều loại thuốc thoa tại chỗ để điều trị: có loại làm giảm tổng hợp melanin; có loại giúp “lột nhẹ” làm bong lớp da, đẩy melanin ra ngoài; có loại dưỡng ẩm để bảo vệ lớp thượng bì; và kem chống nắng là quan trọng nhất.
Để xóa các vết nám, laser là một liệu pháp quan trọng và rất hiệu quả. Tia laser với bước sóng chuyên biệt sẽ được chiếu “xuyên” qua da; chỉ có melanin (có màu đen) mới hấp thu năng lượng của tia laser và bị phá vỡ thành mảnh nhỏ. Sau đó các tế bào trong cơ thể sẽ đến “ăn” và “dọn dẹp” những mảnh nhỏ này. Các tế bào xung quanh không bị ảnh hưởng.
Để đạt kết quả tối ưu ta cần phải phối hợp nhiều cách.
- Nám da ở người châu Á có khác hơn so với người Âu hoặc Mỹ không?
Có nhiều sự khác biệt về làn da của người châu Á so với các khu vực khác. Da người châu Á có nhiều tuyến bã hơn, số lượng melanin nhiều hơn, lớp bì dày hơn. Khi tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời da người châu Âu mau bị nhăn, trong khi da người châu Á dễ bị sạm hơn. Do đó các phương pháp điều trị như thuốc thoa, laser, chăm sóc da,… phải được hiệu chỉnh cho phù hợp nhất với từng người.
Điều trị nám da đòi hỏi nhiều kinh nghiệm để có thể phối hợp tốt nhất các liệu pháp, nhằm mang lại hiệu quả tối ưu, trả lại làn da đều màu và sự tự tin cho người phụ nữ.
B.T.V
Tin nổi bật
- Làm thế nào để đối phó với lo âu và trầm cảm
20/06/2024 - 10:47:23
- 5 cách phòng viêm quanh răng tránh nguy cơ rụng răng
12/03/2024 - 16:52:56
- Cách ngăn ngừa tình trạng thiếu vitamin D ở trẻ em
01/03/2024 - 11:22:11
- Bất ngờ với nguyên nhân gây viêm lợi nhiều người chưa biết
27/02/2024 - 11:38:18
- Tay chân bị lạnh vào mùa đông, nguyên nhân và cách khắc phục
26/02/2024 - 10:09:05
- Thời điểm tuyệt đối không nên massage cho trẻ
26/01/2024 - 10:30:39