Mẹ tặng tử cung để con gái có cơ hội làm mẹ
Bà mẹ đã tặng tử cung cho cô con gái mắc chứng bệnh ngặt nghèo. Đây là ca ghép tử cung đầu tiên ở Pháp. Trong 10 tháng nữa, cô con gái sẽ được thụ thai nhân tạo để sinh con.
Ngày 11-4 (giờ địa phương), bệnh viện Foch ở Suresnes (tỉnh Hauts-de-Seine) thông báo đã thực hiện ca ghép tử cung đầu tiên ở Pháp. Người chỉ đạo ca ghép là giáo sư bác sĩ Jean-Marc Ayoubi, trưởng khoa sản phụ khoa và y học tái tạo của bệnh viện.
Ca sinh con đầu tiên từ tử cung ghép của người đã chết tại Brazil vào ngày 15-12-2017 - Ảnh: REUTERS
Bệnh nhân mắc hội chứng không có tử cung
Bệnh nhân nhận ghép 34 tuổi mắc hội chứng Rokitansky nên không có tử cung. Người hiến tử cung là bà mẹ ruột 57 tuổi.
Ca ghép được tiến hành vào ngày 31-3 nhưng đến nay mới công bố. Danh tính người hiến và người nhận được giữ kín.
Trong 10 tháng nữa, các bác sĩ sẽ cấy phôi cho người nhận ghép. Trên thế giới thời gian chờ cấy phôi kéo dài từ 6-12 tháng.
Tại Pháp, ghép tử cung là giải pháp thay thế được thử nghiệm thay cho biện pháp mang thai hộ vốn bị pháp luật cấm hoặc đi tìm con nuôi.
Ca ghép tử cung tại bệnh viện Foch là thành quả của hơn 10 năm nghiên cứu và cộng tác với Thụy Điển.
Thụy Điển đã thực hiện ca ghép tử cung đầu tiên từ người còn sống. Một năm sau bà mẹ sinh con. Ca sinh con đầu tiên từ tử cung ghép của người đã chết xảy ra vào ngày 15-12-2017 tại Brazil.
Đến nay trên thế giới đã có hơn 50 phụ nữ được ghép tử cung. 15 trẻ chào đời gồm 9 ca ở Thụy Điển, 2 ca ở Mỹ, các ca còn lại ở Brazil, Serbia, Ấn Độ, Trung Quốc.
Ghép tử cung thường được thực hiện đối với phụ nữ phải chịu cắt tử cung do mắc bệnh ung thư hoặc mắc hội chứng Rokitansky.
Có hai trường hợp ghép: Ghép tử cung của người sống hoặc ghép tử cung của người chết não. Hầu hết các ca đều lấy tử cung của người sống.
Người hiến thường là mẹ của người nhận và không muốn có con nữa. Sau khi hiến, người hiến vẫn sống bình thường. Trở ngại chính là thời gian lấy tử cung kéo dài đến 10 tiếng nên xảy ra nhiều nguy cơ.
Trường hợp lấy tử cung từ người đã chết não cũng không gặp trở ngại đặc biệt về kỹ thuật. Việc xử lý chống thải loại tương đối nhẹ nhàng hơn so với các ca ghép bộ phận cơ thể khác.
Người nhận ghép tử cung không được giữ tử cung quá 5 năm do nguy cơ cao từ quá trình điều trị chống thải loại. Thời gian này đủ cho người nhận ghép có hai đứa con.
Theo luật đạo đức sinh học của Pháp, người hiến tử cung còn sống phải là người thân trong gia đình hoặc có họ hàng gần với người nhận ghép. Năm 2015, Viện hàn lâm khoa học Pháp đã từng đặt ra vấn đề y đức: Tử cung không phải là cơ quan sống còn mà chỉ bù đắp khiếm khuyết của người phụ nữ, vậy có nên đánh cược tính mạng để ghép tử cung hay không? |
Theo Tuổi Trẻ
Tin nổi bật
- Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan tri ân các Anh hùng, Liệt sĩ tại tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Trị
02/07/2024 - 10:07:46
- Chuyện chưa kể về những người ngành y có thâm niên hiến máu
20/06/2024 - 10:05:08
- Muốn hiến tóc cho bệnh nhân ung thư phải làm thế nào?
17/06/2024 - 14:36:20
- Thứ trưởng Bộ Y tế kêu gọi lan tỏa thông điệp 'hiến giác mạc - hành động nhỏ mang giá trị lớn lao'
14/06/2024 - 14:27:17
- Hiến tặng mô, tạng để những giá trị nhân văn luôn còn mãi
11/06/2024 - 14:14:26
- Dược phẩm Tâm Bình đồng hành cùng “Mùa hè xanh” tại Thanh Hóa
26/05/2023 - 10:50:09