Giữ sức xuân nhờ... tôm
Tôm bổ thận tráng dương, tốt cho nam giới yếu sinh lý. Các món ngon sau từ tôm có thể coi như thực phẩm hồi xuân cho các quý ông.
Người xưa có câu: “Trên trời có sâm bồ câu, trên cạn có chim cút, dưới ao đầm có sâm tôm, lươn, dưới biển có hải sâm, hải mã...”. Tôm rất giàu chất dinh dưỡng như protein, chất béo, vitamin A, B12, niacin, canxi, sắt, kẽm, magiê, photpho và iot, đồng... Xưa nay trong dược thiện bổ thận tráng dương hầu như đều có tôm.
Theo Đông y, tôm có vị ngọt, tính ôn, nhập 2 kinh can thận. Có tác dụng bổ thận tráng dương, thông sữa, khử độc. Thích hợp với chứng thận hư liệt dương, lưng đau gối mỏi, rã rời thân thể. Phụ nữ sinh con thiếu sữa, trẻ em còi xương suy dinh dưỡng, bị các bệnh sởi, thủy đậu, mụn nhọt, lở loét. Xin giới thiệu một số món ăn làm từ tôm bổ thận tráng dương, giữ mãi sức xuân sung mãn.
Tôm trộn thịt nạc xay hấp là món ăn “trường thọ như ý” tốt cho nam giới suy giảm tình dục.
Món ăn từ tôm bổ thận tráng dương
Món “trường thọ như ý”: tôm tươi bóc vỏ 20g, trứng gà 2 quả, thịt lợn xay 30g, một ít tinh bột, gia vị. Băm nhỏ tôm, trộn thịt lợn xay, lòng trắng trứng, tinh bột, muối gia vị gừng tỏi, nặn hòn cho vào tai nấm hương chưng chín.
Tôm xào tam thất: tôm tuốt bóc vỏ 100g bỏ vào bát giã với bột ướt, muối, rồi trộn với 1 quả trứng gà, 5g bột tam thất đánh trộn đều, xào với dầu rồi cho 300g rau hẹ xào chín nêm gia vị. Bài này thích hợp cho nam giới tuyến tiền liệt phì đại loại thân dương bất túc (buồn tiểu luôn, nhất là về đêm, tiểu nhỏ giọt, không sốt, không đau, lưng gối mỏi, chân tay lạnh...). Còn dùng cho phụ nữ bị lãnh cảm, vô sinh do tử cung lạnh.
Canh tôm nấu đông trùng: tôm tươi to 300g bóc vỏ, bỏ vào nấu chung với 4 cái đông trùng hạ thảo cho nước hầm 1 tiếng là được.
Tôm chiên Tiền Giang: 20 con tôm thẻ to ướp nước tỏi gừng đã giã nhuyễn, ướp 30 phút, 3 quả trứng gà, đánh tan cho gia vị, ớt, mùi (ngô) hành ta phần trắng, đâm nhuyễn, 100g sà lách. Chế nước sốt chua, xì dầu.
Tôm nướng kiệu chua: tôm bạc thẻ to hoặc tôm sú 1kg, gừng băm nhuyễn 1 thìa to, 3 thìa to tương ớt, 1 thìa to tương hột loại ngon, 100g kiệu chua. Gia vị: tỏi, tiêu muối bột ngọt, giấm, ướp tôm với gừng, tỏi, tiêu, ngọt. Tương cho vào rãnh lưng tôm. Kiệu để ăn kèm.
Tôm lụi: gừng tỏi 1kg, 1kg tôm sú loại vừa ăn (khoảng 16 con), 1 thìa to nước gừng, 2 thìa to tỏi, tiêu bột ngọt. Tôm ép dẹp, ướp 30 phút rồi sấy khô. Khi ăn thì nướng lại cho nóng.
Tôm sú sốt tỏi: tôm sú 350g để cả vỏ, 200g dừa nạo, 2 củ hành tây, tỏi, gia vị, bột bắp bọc tôm chiên vàng. Nước sốt: dừa vắt nước. Tỏi phi thơm, hành cắt mỏng với 1 thìa to sa tế nấu sôi rồi cho nước dừa vào.
Rượu tôm bổ thận tráng dương:
Bài 1: tôm càng to, thỏ ti tử 12g, đào nhân, miên hoa tử, đỗ trọng, ba kích, sa nhân, cốt toái bổ, câu kỷ, xuyên tục đoạn, ngưu tất, mỗi vị 6g, rượu nếp 1 lít. Tôm nghiền nhỏ cho vào túi vải ngâm vào rượu thuốc đã ngâm chắt ra sẵn. Ngâm 15 ngày (không ngâm chung tôm với rượu).
Bài 2: tôm he 2 con, rượu 250ml. Tôm làm sạch ngâm rượu 7 ngày. Uống ngày 2 lần. Mỗi lần 1 chén con (20ml).
Người có thể tạng dị ứng, các bệnh có cơ chế bệnh sinh của dị ứng như hen phế quản, thấp khớp, các bệnh ngoài da, viêm mũi xoang, hội chứng gan não nên ăn thăm dò, có phản ứng thì ngừng và ăn hạn chế nhất là khi ăn tôm có phối hợp rượu trong hay ngoài quá trình chế biến.
BS. Phó Thuần Hương
Tin nổi bật
- Làm thế nào để đối phó với lo âu và trầm cảm
20/06/2024 - 10:47:23
- 5 cách phòng viêm quanh răng tránh nguy cơ rụng răng
12/03/2024 - 16:52:56
- Cách ngăn ngừa tình trạng thiếu vitamin D ở trẻ em
01/03/2024 - 11:22:11
- Bất ngờ với nguyên nhân gây viêm lợi nhiều người chưa biết
27/02/2024 - 11:38:18
- Tay chân bị lạnh vào mùa đông, nguyên nhân và cách khắc phục
26/02/2024 - 10:09:05
- Thời điểm tuyệt đối không nên massage cho trẻ
26/01/2024 - 10:30:39