Đề xuất BHYT trả chi phí khám phát hiện sớm ung thư
Bộ Y tế đề xuất BHYT chi trả cho các dịch vụ sàng lọc sơ sinh, chẩn đoán sớm một số bệnh ung thư, khám sức khỏe định kỳ hoặc tại nhà.
Thông tin được ông Nguyễn Trí Dũng, Phó vụ trưởng Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế), cho biết tại Hội thảo tham vấn ý kiến về dự án luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi, ngày 28/6.
"Dự án luật BHYT sửa đổi có hai nội dung lớn, mới là mở rộng phạm vi quyền lợi và chính sách BHYT bổ sung", ông Dũng nói, thêm rằng Luật sẽ tạo cơ chế pháp lý thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân.
Cụ thể, Bộ Y tế đề xuất BHYT chi trả cho các dịch vụ như sàng lọc sơ sinh, sàng lọc trước sinh, sàng lọc bệnh lây truyền từ mẹ sang con, khám và chẩn đoán sớm một số bệnh, khám sức khỏe định kỳ, khám chữa bệnh tại nhà (người cao tuổi, người khuyết tật nặng), sử dụng vaccine, sinh phẩm, dinh dưỡng sử dụng trong điều trị. Trước đây, các dịch vụ này không được chi trả.
Ngoài ra, một số ý kiến cũng đề xuất BHYT chi trả chi phí sàng lọc phát hiện sớm bệnh ung thư. Tuy nhiên hiện chưa rõ các bệnh ung thư nào có thể được BHYT chi trả.
Bà Tống Thị Song Hương, nguyên vụ trưởng BHYT cho rằng phạm vi quyền lợi được hưởng BHYT mở rộng "là rất tốt vì hướng đến dự phòng, chủ động khám sàng lọc phát hiện sớm sẽ giúp giảm được chi phí khám chữa bệnh". Tuy nhiên, trong điều kiện quỹ như hiện nay thì cần phải cân nhắc.
"Cần xem xét thực hiện sàng lọc, phát hiện sớm dịch vụ gì, bệnh gì, điều kiện để BHYT chi trả", bà Hương nói, thêm rằng Bộ Y tế cần đánh giá tác động, đưa ra lộ trình cụ thể để không gây khó khăn trong thực hiện.
Các chuyên gia cũng đề nghị quy định chặt chẽ về chỉ định điều trị nội trú hưởng BHYT, sử dụng các dịch vụ kỹ thuật y tế, chuyển tuyến không cần thiết.
Người dân đi khám bệnh tại Bệnh viện Nhiệt đới TP HCM, tháng 10/2022. Ảnh:Như Quỳnh
Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn đánh giá dự án Luật BHYT sửa đổi là dự án luật quan trọng, tác động trực tiếp đến mọi người dân. Do đó, cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá thực trạng và tác động đầy đủ để bảo đảm tính khả thi, thống nhất, đồng bộ, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội.
"Dự án Luật được sửa đổi toàn diện, thay thế luật hiện hành phải giải quyết được các bất cập hiện hành, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đặt quyền lợi của người tham gia BHYT lên hàng đầu để phục vụ, tạo niềm tin với chính sách BHYT", Thứ trưởng Thuấn nói, đề nghị các đơn vị và chuyên gia tiếp tục góp ý.
Trên cơ sở đó, Bộ Y tế sẽ tiếp thu, chỉnh sửa và hoàn thiện dự thảo luật, dự kiến trình Quốc hội dự thảo Luật BHYT sửa đổi vào tháng 5/2024.
Tỷ lệ bao phủ BHYT tăng mạnh qua các năm. Tính đến tháng 12/2022, toàn quốc có trên 91 triệu người tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ 91% dân số. Khám chữa bệnh BHYT tại tuyến y tế cơ sở tăng, đến nay đã đạt hơn 70% lượt khám chữa bệnh. Mục tiêu bao phủ BHYT đến năm 2025 là 95% dân số.
Tin nổi bật
- Nhiều người đi khám sức khỏe mới phát hiện bị bệnh tâm thần
05/07/2024 - 10:54:06
- Thanh niên suýt mất mạng vì ngộ độc thuốc diệt chuột
04/07/2024 - 10:12:39
- Đau bụng đi khám bác sĩ, bàng hoàng phát hiện sán não ký sinh khắp cơ thể
04/07/2024 - 10:00:07
- Bộ Y tế và UNCEF trao đổi thúc đẩy tiếp tục hợp tác về chăm sóc sức khoẻ nhân dân
04/07/2024 - 09:56:36
- Trích rạch vết thương do vỡ hạt tophi sau biến chứng của bệnh gout, cụ ông bị nhiễm trùng nặng
04/07/2024 - 09:52:37
- Bộ trưởng Bộ Y tế bổ nhiệm ông Nguyễn Toàn Thắng giữ chức Phó Chánh Văn phòng Bộ
04/07/2024 - 09:50:03