Cô gái trẻ ung thư gan di căn hiến tặng giác mạc: Mong được 'sống' thêm lần nữa
22 tuổi, vừa tốt nghiệp đại học, mong ước một công việc đúng chuyên ngành, thế nhưng Phạm Thị Huế đành gác bỏ lại tất cả vì căn bệnh ung thư gan giai đoạn cuối.
Trong những ngày cuối cùng được sống, Huế chỉ có một mong mỏi, hiến tạng để mình còn được “sống" thêm lần nữa.
Chân dung cô gái ung thư gan quyết định hiến giác mạc
“Với bệnh nhân ung thư, chết là giải thoát”
Tháng 2/2012, khoảng 7 năm trước, tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, Huế được bác sĩ thông báo cô bị u gan, qua kết quả sinh thiết, cô được biết cơ thể mang tế bào ung thư gan ác tính. Từ ngày đó, Huế trực chờ trong bệnh viện đánh “dã chiến”.
“Em chuyển qua viện K truyền hoá chất, khoảng nửa năm sau khi phát hiện mình mắc bệnh, em truyền 5 phác đồ với gần 30 đợt truyền nhưng về sau bác sĩ cũng “bó tay” vì cơ thể em không đáp ứng thuốc. Sau đó không bao lâu, em được Bệnh viện “trả về”, Huế nhớ lại.
Với niềm mong mỏi được sống, chờ đợi một phép màu xuất hiện, gia đình lại đưa Huế quay lại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thực hiện nhiều đợt mổ. Thế nhưng, lần lượt các đợt mổ qua đi nhưng kết quả không khả quan hơn, u vẫn mọc trong cơ thể nên Huế quyết định xin ra viện.
7 năm, mầm bệnh cứ âm thầm từng ngày phát triển mà các bác sĩ không có cách nào ngăn chặn. Khối u cứ thách thức, không để cô chữa khỏi bệnh nhưng cũng không chèn vào các bộ phận khác gây ra sự khó chịu. Tính đến nay, u đã di căn đi đầy ổ bụng Huế, khiến em trông như người mang thai tháng thứ 6.
Thuốc thang với Huế bây giờ chỉ uống cho vui, chứ căn bệnh của cô đã chẳng còn chạy chữa được nữa. Điều đó có nghĩa, Huế đang từng ngày chờ chết.
Với bất cứ ai, khi phải vật lộn trong sự bí bách, cùng quẫn chờ chết, đều rơi vào hoảng loạn, tuy nhiên, cô gái tròn 22 tuổi này lại không thế.
Huế tâm sự: “Cái chết bây giờ gần như quá vô thường với em luôn ý. Một ngày, một tháng em có thể nghe rất rất rất nhiều cái chết của bệnh nhân điều trị ung thư. Trước kia em có thể khóc cả ngày vì một người không quen biết nhưng bây giờ điều đó rất vô thường, ai cũng phải mất. Với bệnh nhân ung thư, đó là giải thoát”.
Huế không sợ chết, em nói rằng mình dám đối mặt với nó, em mong chờ sự giải thoát cho kiếp sống của chính mình.
Gửi lại đời đôi giác mạc
Với một số bệnh nhân mắc nan y như Huế, nói đến cụm từ “hành trang chuẩn bị cho cái chết” nghe thật kỳ lạ, nhưng không phải không có lý. Huế chuẩn bị rất kỹ, nhất là về tư tưởng để đối diện với ngày tận thế đó. Tuy nhiên, trong đợt tháng 3/2018, vô tình, kế hoạch của Huế có phần “chệch” đi một chút.
“Khi đọc cuốn sách Điểm đến cuộc đời, em thấy hiến giác mạc đơn giản mà ý nghĩa, có thể đem đến ánh sáng cho người không may mắn. Thế là em muốn đăng ký hiến tạng từ lúc đó”.
Vì vậy, nhân một dịp về Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức khám bệnh, Huế đã xin mẹ dẫn sang Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia đăng ký hiến tạng.
Trong căn phòng nhỏ, Huế hỏi, “em có thể hiến được những gì?”. Nhân viên giải thích cho cô, với một người đã điều trị qua hoá chất, Huế chỉ có thể gửi lại cuộc đời này cặp “giác mạc”.
Không ngần ngại, cô gái bé nhỏ đánh dấu vào phiếu đăng ký, gửi gắm một phần thân thể mình.
Khi được hỏi có lo sợ một cái chết không toàn thây như nhiều người Việt lo lắng, Huế nhẹ nhàng nói rằng: “Em không lo nghĩ gì, thân xác chỉ là mượn ở kiếp này, có gì đâu mà luyến tiếc, sau cũng trở về với cát bụi.
Chỉ cần nghĩ đôi giác mạc của mình sẽ giúp đỡ một người nào đó, như thế đã đủ hạnh phúc rồi!”.
Hồng Hải
Tin nổi bật
- Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan tri ân các Anh hùng, Liệt sĩ tại tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Trị
02/07/2024 - 10:07:46
- Chuyện chưa kể về những người ngành y có thâm niên hiến máu
20/06/2024 - 10:05:08
- Muốn hiến tóc cho bệnh nhân ung thư phải làm thế nào?
17/06/2024 - 14:36:20
- Thứ trưởng Bộ Y tế kêu gọi lan tỏa thông điệp 'hiến giác mạc - hành động nhỏ mang giá trị lớn lao'
14/06/2024 - 14:27:17
- Hiến tặng mô, tạng để những giá trị nhân văn luôn còn mãi
11/06/2024 - 14:14:26
- Dược phẩm Tâm Bình đồng hành cùng “Mùa hè xanh” tại Thanh Hóa
26/05/2023 - 10:50:09