Các câu hỏi về tiêm phòng dại cho người bị chó, mèo cắn
20 câu hỏi phổ biến về tiêm phòng dại cho người bị chó mèo cắn dưới đây sẽ giải đáp các thắc mắc về loại vắc-xin phòng bệnh dại như tiêm ở đâu, thời gian tiêm, tiêm mấy mũi, tiêm phòng cho trẻ em, tác dụng phụ khi tiêm phòng dại...
Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm do virus cấp tính có thể dẫn đến tử vong. Ngay khi người bị chó mèo cắn thường lo lắng có nên tiêm phòng dại hay không và tiêm như thế nào? Sau đây là một số thắc mắc thường gặp nhất về việc tiêm phòng dại đối với những người bị chó, mèo cắn.
1. Cần phải làm gì sau khi bị chó mèo cắn?
Phải xử lý kỹ và sớm ngay chỗ vết cắn làm giảm tối thiểu lượng virus dại tại nơi xâm nhập bằng cách rửa vết thương dưới vòi nước chảy với xà phòng nhiều lần, sau đó sát trùng bằng các dung dịch sát trùng như cồn, dung dịch Iot rồi đi tiêm vắc xin phòng dại ngay.
Nếu vết thương gần thần kinh trung ương (đầu, mặt, cổ, vai, tay) hoặc ở nơi tập trung nhiều đầu dây thần kinh (như đầu chi, bộ phận sinh dục) thì cần phải tiêm cả huyết thanh kháng dại (SAR) và vắc xin dại.
2. Có nên tiêm phòng bệnh dại cho người khi bị chó, mèo cắn? Tiêm vắc xin phòng bệnh dại khi nào?
Tùy từng trường hợp cụ thể bác sĩ sẽ quyết định có nên tiêm phòng hay không. VD trường hợp con vật không thể theo dõi hoặc con vật chết cần phải tiêm phòng càng sớm càng tốt có thể phải tiêm kết hợp kháng huyết thanh và vắc xin; trường hợp con vật còn sống, theo dõi được có thể không tiêm hoặc hoãn tiêm.
Theo hướng dẫn của WHO có thể phân loại 3 cấp độ:
Cấp độ I: Khi người sờ hay cho súc vật ăn hoặc súc vật liếm trên da khuyến cáo không điều trị nếu con vật có tiền sử đáng tin cậy
Cấp độ II: Khi súc vật gặm vùng da trần, những vết cào xước nhẹ không chảy máu hoặc liếm trên da có vết trầy khuyến cáo nên tiêm vắc xin ngay
Cấp độ III: Khi có 1 hay nhiều vết cắn hay cào xuyên thấu da, niêm mạch bị nhiễm nước dãi của súc vật khuyến cáo nên tiêm kháng huyết thanh và vắc xin phòng bệnh dại ngay lập tức
3. Tiêm phòng dại khi mang thai hoặc trong thời gian cho con bú được không?
Bệnh Dại là một bệnh nặng. Ở những trường hợp tiêm phòng sau phơi nhiễm, do bệnh dại có diễn tiến nguy hiểm, nên phụ nữ đang mang thai không chống chỉ định tiêm, không được thay đổi lịch tiêm phòng khi biết đang có thai.
Tiêm vắc xin cho những người có nguy cơ bị lây nhiễm bệnh dại cao, cần phải cân nhắc đánh giá lợi và hại trước khi tiêm.
Nếu trong khi đang tiêm phòng theo lịch hẹn mà phát hiện mình có thai, cần hỏi ý kiến của bác sĩ vì chỉ bác sĩ mới có thể quyết định lịch tiêm phòng phù hợp với tình trạng của từng người.
Có thể tiêm vắc xin phòng bệnh dại khi đang cho con bú sữa mẹ trong trường hợp cần thiết.
4. Hướng dẫn sử dụng vắc xin tiêm phòng dại?
Vắc xin dạn đông khô có màu trắng thuần khiết trươc khi tiêm cần phải hoàn nguyên. Để hoàn nguyên:
- Tháo nắp lọ vắc xin
- Bơm dung mội từ bơm tiêm vào lọ vắc xin đông kho hay rút dung môi từ ống vào 1 bơm tiêm rồi bơm vào lọ vắc xin đông khô.
- Lắc kỹ đến khi đạt được hỗn dịch vắc xin đồng nhất. Vắc xin đã được hoàn nguyên là dung dịch trong suốt.
- Rút một liều vắc xin dạng hỗn dịch. Thể tích tùy thuộc vào đường tiêm vắc xin. Nếu tiêm bắp (IM) 0.5ml/liều; Nếu tiêm trong da (ID) 0.1ml/liều
- Tiêm
Vì vắc xin Verorab không có chất bảo quản, do đó vắc xin đã được hoàn nguyên cần được bảo quản cẩn thận để tránh bị lây nhiễm. Vắc xin sau khi hoàn nguyên chỉ được sử dụng tối đa trong vòng 8 giờ, với điều kiện lọ vắc xin phải được bảo quản ở nhiệt độ +20C đến +80C. Sau 8 giờ phải hủy phần vắc xin chưa sử dụng còn lại trong lọ
5. Tiêm phòng dại cho trẻ em khi bị chó, mèo cắn được không?
Vắc xin này được chỉ định để phòng ngừa bệnh dại ở trẻ em và người lớn. Có thể tiêm vắc xin này trước hoặc sau khi bị phơi nhiễm để phòng cơ bản hoặc tiêm nhắc lại.
6. Tiêm vắc xin phòng dại cho người khi bị chó, mèo cắn có ảnh hưởng gì không, có hại sức khỏe không, có nguy hiểm không?
Verorab là một loại vắc xin cấy trên tế bào Vero. Ưu điểm của vắc xin này là an toàn và đáp ứng miễn dịch cao sau khi được tiêm đủ liều, thời gian bảo vệ trên 1 năm nếu tiêm đúng phác đồ. Hầu hết các nước tiên tiến đã dùng vắc xin này từ năm 1985. Tiêm vắc xin phòng dại Verorab không gây hại, không gây nguy hiểm và không ảnh hưởng gì đến sức khỏe.
7. Tiêm vắc xin phòng dại có tác dụng phụ gì, có bị sốt không ?
Cũng giống như các vắc xin khác, khi tiêm vắc xin phòng bệnh dại có thể gặp một số tác dụng phụ không mong muốn.
Các phản ứng nhẹ tại chỗ tiêm: đau, quầng đỏ, sưng, ngứa và có nốt cứng tại chỗ tiêm.
Các phản ứng toàn thân: sốt vừa, run rẩy, ngất, suy nhược, đau đầu, chóng mặt, đau khớp, đau cơ, rối loạn dạ dày ruột (buồn nôn, đau bụng)
Cá biệt có thể gặp phản ứng kiểu sốc phản vệ, mày đay, ban đỏ.
Ở những trẻ sinh non, trong 2 -3 ngày sau khi tiêm phòng thì trẻ có thể bị cơn ngưng thở tạm thời.
Nếu có bất kỳ phản ứng phụ nào khác chưa được đề cập vui lòng thông báo với bác sĩ để được ghi nhận.
8. Tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho người khi bị chó mèo cắn ở đâu?
Người dân nên tới các cơ sở y tế xã, phường gần nhất để hỏi về việc tiêm vắc-xin phòng bệnh dại.
Các địa chỉ tiêm phòng tại Hà Nội: Phòng tiêm chủng 131 Lò Đúc – Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương; Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội; Các phòng tiêm của Viện vắc-xin Việt Nam….
Tại Thành phố Hồ Chí Minh: Viện Paster TP HCM, Trung tâm y tế dự phòng Thành Phố
Tại Hải Phòng: Trung tâm y tế dự phòng Thành Phố
9. Chi phí tiêm vắc xin tiêm phòng dại bao nhiêu tiền? Giá 1 mũi tiêm phòng dại?
Chí phí tiêm phòng bao gồm chi phí tư vấn và vắc xin hoặc kháng huyết thanh (nếu có). Huyết thanh phòng dại tính theo ml/kg thể trọng người tiêm giá giao động từ 450.000đ đến 700.000đ. Vắc xin phòng Dại Verorab giá khoảng 250.000đ
10. Tiêm phòng bệnh dại cần phải kiêng gì ? có phải kiêng rượu bia không?
Sau khi tiêm vắc xin phòng dại cần kiêng rượu, bia và các chất kích thích khác.
11. Tiêm vắc xin phòng bệnh dại có ảnh hưởng đến sinh sản không?
Tiêm vắc xin phòng dại Verorab không ảnh hưởng gì đến sức khỏe sinh sản
12. Tiêm phòng dại sau bao nhiêu giờ sau khi bị chó mèo cắn?
Nên tiêm càng sớm càng tốt, tiêm vắc xin đòi hỏi phải có 1 thời gian thì cơ thể mới hình thành được miễn dịch (bình thường từ 7 đến 14 ngày sau khi tiêm đủ liều lượng, đúng kỹ thuật). Nếu tiêm muộn, có thể virus dại đã vào đến não và phát triển, gây tổn thương cho tế bào thần kinh thì dù có tiêm đủ liều vắc xin cũng vô ích vì cơ thể chưa đủ thời gian tạo ra lượng kháng thể đủ để trung hòa được virus dại.
13. Lịch tiêm hay phác đồ tiêm phòng dại như thế nào, Thời gian tiêm vắc xin phòng dại trong bao lâu?
Đối với dự phòng trước phơi nhiễm:
Lịch tiêm 3 mũi vào các ngày 0, 7, 21 (0 là ngày tiêm đầu tiên)
Đối với dự phòng sau phơi nhiễm:
Lịch tiêm của vắc xin phòng dại tiêm 5 mũi vào các ngày 0, 3, 7, 14, 28 (0 là ngày tiêm đầu tiên).
14. Tiêm vắc xin phòng bệnh dại có tác dụng bao lâu?
Hiệu lực miễn dịch của vắc xin không đồng đều cho tất cả mọi người, có người miễn dịch cao, có người miễn dịch thấp và thậm chí có người không được miễn dịch là do phản ứng của từng cá nhân đối với vắc xin không đồng đều. Đó cũng là một trong những lý do được lý giải tại sao có trường hợp tiêm đủ liều vắc xin mà vẫn bị lên cơn dại.
15. Liều lượng vắc xin tiêm phòng dại?
Liều tiêm người lớn và trẻ em như nhau.
Tùy theo đường tiêm
- Tiêm bắp liều 0,5 ml
- Tiiêm trong da liều 0,1 ml
16. Vắc xin tiêm phòng dại verorab là thế hệ mới hay cũ?
– Vắc xin dại đầu tiên được sản xuất và sử dụng vào năm 1885 do Louis Pasteur sản xuất.
– Năm 1954, Fuenzalida đã đưa ra phương pháp sản xuất vắc xin dại não chuột ổ, có tính an toàn cao hơn so với các loại vắc xin thế hệ thứ nhất. Vắc xin này đã được nhiều nước sản xuất và sử dụng như : Pháp, Nga, Cuba, Indonsia, Ấn Độ. Nhược điểm lớn nhất của loại vắc xin này là tỷ lệ gây viêm não tủy khá cao (khoảng 1/5.000 – 1/10.000), virus dại chưa được bất hoạt hoàn toàn, đáp ứng miễn dịch thấp, thời gian miễn dịch ngắn.
– Năm 1963, các nhà sản xuất đã nghiên cứu đưa ra phương pháp sản xuất vắc xin dại trên tế bào là vắc xin thế hệ thứ 2 – Vắc xin Verorab Ưu điểm của loại vắc xin này là tính miễn dịch và an toàn cao, hiệu giá kháng thể sau khi tiêm vắc xin cao gấp 10 lần so với vắc xin thế hệ thứ nhất và hầu như không kèm theo những biến chứng ở hệ thần kinh trung ương.
17. Quy trình tiêm phòng dại như nào?
Sơ cứu bằng cách sửa sạch vết thương dưới vòi nước với xà phòng, thực hiện nhiều lần => đến ngày cơ sở y tế làm hồ sơ tiêm phòng dại => Căn cứ vào thông tin trong hồ sơ về tình trạng vết cắn, vị trí vết cắn, tình trạng con vật bác sĩ sẽ chỉ định tiêm phòng => Theo dõi 30 phút sau tiêm trước khi ra về => thực hiện đầy đủ, đúng lịch tiêm theo chỉ định của bác sĩ.
18. Trường hợp nào cần tiêm phòng dại
Khi bị chó, mèo, nghi dại cắn hoặc tiếp xúc với chúng cần phải coi đó là trường hợp cấp cứu. Trước hết phải xử lý tại chỗ vết thương, sau đó phải đến các điểm tiêm phòng dại để được các thầy thuốc chuyên khoa khám và có biện pháp xử lý cụ thể cho từng trường hợp.
Những trường hợp người bị súc vật cắn phải đi tiêm phòng dại ngay, phải tiêm vắc xin dại và huyết thanh kháng dại
- Con vật lên cơn dại hoặc nghi dại.
- Vết cắn ở đầu, mặt, cổ, đầu chi, bộ phận sinh dục… dù vết cắn nhẹ.
- Có nhiều vết cắn nguy hiểm, vết cắn sâu.
- Không theo dõi được con vật.
- Tại nơi người bị súc vật cắn đang có hoặc trước đó đã từng có súc vật bị dại.
19. Những trường hợp chỉ cần theo dõi chó, mèo
Trường hợp vết cắn rất nhẹ, vết cắn xa thần kinh trung ương (ví dụ ở cẳng chân). Tại thời điểm con vật cắn người, con vật đó vẫn sống bình thường, hoàn toàn không có dấu hiệu nghi ngờ dại. Tại nơi bị con vật cắn, không phát hiện có bệnh dại ở súc vật.
Cần theo dõi con vật 15 ngày. Trong thời gian theo dõi, nếu thấy con vật có biểu hiện không bình thường như: ốm, bỏ ăn, chết, mất tích, bán hoặc mổ thịt… phải đến điểm tiêm phòng dại để được điều trị dự phòng ngay. Nếu sau 15 ngày kể từ khi người bị con vật cắn, tiếp xúc mà con vật đó vẫn sống bình thường thì không cần điều trị dự phòng.
20. Những lưu ý sau khi tiêm phòng dại ?
- Phải tiêm sớm ngay sau khi bị cắn hoặc tiếp xúc với con vật bị dại, nghi dại.
- Phải tiêm đủ số mũi, đúng khoảng cách giữa các mũi tiêm theo chỉ định của bác sĩ đối với từng loại vaccin dại và phác đồ tiêm.
- Phải tiêm đúng liều lượng, đúng kỹ thuật và vaccin phải được bảo quản ở nhiệt độ 4oC – 8oC.
- Trong thời gian tiêm không nên làm việc quá sức, không uống rượu và dùng các chất kích thích.
- Không dùng các thuốc có dạng corticoid, ACTH, các thuốc làm giảm miễn dịch… trong và sau khi tiêm phòng dại 6 tháng
Tinhgopro
Tin nổi bật
- Làm thế nào để đối phó với lo âu và trầm cảm
20/06/2024 - 10:47:23
- 5 cách phòng viêm quanh răng tránh nguy cơ rụng răng
12/03/2024 - 16:52:56
- Cách ngăn ngừa tình trạng thiếu vitamin D ở trẻ em
01/03/2024 - 11:22:11
- Bất ngờ với nguyên nhân gây viêm lợi nhiều người chưa biết
27/02/2024 - 11:38:18
- Tay chân bị lạnh vào mùa đông, nguyên nhân và cách khắc phục
26/02/2024 - 10:09:05
- Thời điểm tuyệt đối không nên massage cho trẻ
26/01/2024 - 10:30:39