Viêm tuyến mồ hôi mủ - bệnh hiếm gặp
Anh Thắng 35 tuổi, đến Bệnh viện Da liễu Trung ương khám do có u cục viêm tấy chảy dịch mủ ở nách, bẹn.
Những khối u cục này đã xuất hiện hai năm nay, anh Thắng khám ở bệnh viện địa phương được chẩn đoán là mụn nhọt có áp xe. Bác sĩ kê đơn thuốc kháng sinh, giảm đau, chống viêm. Một thời gian, u tái phát, cơ thể bốc mùi khó chịu. Mới đây, anh đến Bệnh viện Da liễu Trung ương khám do các u cục ở nách, bẹn, kheo vỡ chảy mủ, có mùi hôi thối.
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Quang, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật Thẩm mỹ và Phục hồi chức năng, chẩn đoán bệnh nhân bị viêm tuyến mồ hôi mủ. Đây là căn bệnh hiếm gặp, tỷ lệ mắc chỉ 0,05% trường hợp. Tuy nhiên, gần đây bệnh viện tiếp nhận tới 6 bệnh nhân tới khám, điều trị.
Bệnh của anh Thắng đã ở giai đoạn muộn, phải phẫu thuật và dùng thuốc sinh học. Theo bác sĩ Quang, bệnh có nguy cơ tái phát nên bệnh nhân cần xác định sẽ sống chung với bệnh cả đời.
Bác sĩ Quang thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: Lê Nga. |
Viêm tuyến mồ hôi mủ là bệnh lý da nhiễm trùng mạn tính ở vùng có tuyến mồ hôi tiết mùi của cơ thể. Do tính chất mạn tính nên bệnh tái diễn nhiều lần. Bệnh hình thành bởi một quá trình từ nốt không viêm đến những thương tổn viêm nằm sâu bao quanh, gây đau đớn. Hậu quả là chảy mủ nhầy và để lại sẹo xơ dính.
Bệnh thường khởi phát sau tuổi dậy thì, thường gặp ở lứa tuổi 20-40, nữ nhiều hơn nam, tồn tại kéo dài ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Bệnh nhân cao tuổi ít bị bệnh này do tình trạng lão hóa khiến tuyến bã teo bớt, giảm nguy cơ mắc bệnh.
Ban đầu, bệnh khởi phát âm thầm với triệu chứng ngứa, hồng ban, tăng tiết mồ hôi khu trú. Về sau vùng có thương tổn trở nên đau, chảy mủ và mùi hôi. Ở giai đoạn cấp, bệnh nhân bị sưng tấy mủ, điều trị kháng sinh chỉ làm dịu triệu chứng chứ không hết bệnh.
Khi có yếu tố kích thích như béo phì, hút thuốc... tình trạng viêm sẽ bùng phát, làm bít tắc cổ nang lông, mưng mủ, áp xe. Các nốt viêm tấy trên da tái diễn thành lỗ rò, nối với nhau tạo thành các đường thông rò.
Viêm tuyến mồ hôi mủ thường bị chẩn đoán nhầm với nhọt, áp xe ngoài da, viêm bạch mạch, bã đậu, lao da, hột xoài và các bệnh nhiễm trùng khác...
"Bệnh nhân ở giai đoạn nặng có mùi rất kinh khủng, cản trở sinh hoạt hàng ngày, thậm chí bị lảng tránh bởi cơ thể lúc nào cũng ướt, chảy dịch, bẩn. Bệnh có liên hệ chặt chẽ với tình trạng trầm cảm", bác sĩ Quang nói.
Các vùng tổn thương thường kín đáo, khó nhìn như ở nách, bẹn... Nếu chăm sóc, vệ sinh tốt, kiểm soát bệnh thì sẽ không ảnh hưởng cuộc sống.
Hiện chưa biết nguyên nhân chính xác gây bệnh, song di truyền chiếm tới 30% các yếu tố nguy cơ. Nhiều bệnh nhân là anh em ruột. Ngoài ra, cơ địa cũng ảnh hưởng đến bệnh. Hút thuốc, béo phì là yếu tố tăng nặng, khiến bệnh dễ bùng phát. Người béo phì, cổ nang lông bị bít tắc, tuyến bã tiết ra không thoát hết gây bít tắc, tổn thương nang lông, vi khuẩn xâm nhập...
Phòng tránh bệnh bằng cách giảm cân để hạn chế sự cọ xát trên da, bỏ hút thuốc. Giữ cơ thể khô thoáng bởi bệnh có thể bùng phát do quá nóng và đổ mồ hôi. Mặc quần áo thoáng mát. Khi bị tổn thương thì cần chăm sóc đúng cách bằng cách áp gạc ấm lên tổn thương để giảm sưng đau. Làm sạch tổn thương hàng ngày và được bác sĩ tư vấn điều trị.
Lê Nga
Tin nổi bật
- Làm thế nào để đối phó với lo âu và trầm cảm
20/06/2024 - 10:47:23
- 5 cách phòng viêm quanh răng tránh nguy cơ rụng răng
12/03/2024 - 16:52:56
- Cách ngăn ngừa tình trạng thiếu vitamin D ở trẻ em
01/03/2024 - 11:22:11
- Bất ngờ với nguyên nhân gây viêm lợi nhiều người chưa biết
27/02/2024 - 11:38:18
- Tay chân bị lạnh vào mùa đông, nguyên nhân và cách khắc phục
26/02/2024 - 10:09:05
- Thời điểm tuyệt đối không nên massage cho trẻ
26/01/2024 - 10:30:39