Uống thuốc với sữa, nước trái cây có hại không?
Cho con uống thuốc với tôi là việc vô cùng khó khăn nên tôi thường nghiền thuốc vào sữa, nước trái cây cho bé uống nhưng vừa rồi tôi nghe nói làm vậy có thể gây tác dụng phụ...
Bạn đọc Uyên An (nguyenthi…@gmail.com) hỏi: Bé nhà tôi 3 tuổi và rất khó cho uống thuốc, nên tôi hay nghiền thuốc viên thành bột, hoặc bẻ đôi viên nhộng để lấy phần bột bên trong hòa chung với sữa hoặc nước cam để bé dễ uống nhưng vừa rồi có đợt bé bệnh chữa hoài không dứt hẳn. Bạn tôi bảo tại tôi nghiền thuốc và uống chung lung tung nên thuốc gây tác dụng phụ. Có phải vậy không?
Bạn đọc Trần Thanh Hòa (35 tuổi, TP HCM) hỏi: Con tôi 4 tuổi, mỗi lần uống thuốc, vợ tôi hay cho cháu uống chung với nước ngọt, nước trái cây, sinh tố…cho dễ trôi. Điều đó có nên không?
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố (TP HCM), trả lời:
Có những loại thuốc việc nghiền, mở viên nhộng hay uống chung với đồ uống ngọt không sao hết nhưng cũng có những loại mà việc "sáng tạo" cách uống thuốc có thể gây vấn đề.
Đầu tiên là một số thuốc có thể tương tác với các protein trong sữa, khi đi vào cơ thể bị vón lại cùng với sữa, có thể khiến cơ thể giảm hấp thu thuốc hoặc thậm chí là hầu như không hấp thu được.
Với những đồ uống ngọt như nước đường, nước trái cây, phần lớn thuốc khi dùng chung cũng không sao nhưng cũng có vài loại sẽ bị hạn chế tác dụng.
Ngoài ra, việc nghiền thuốc, mở viên nhộng có thể ảnh hưởng đến quá trình tác dụng của thuốc: một số thuốc cần tác dụng chậm, cần để viên nén hoặc vỏ bọc tan ra từ từ trong cơ thể, nếu bị nghiền, mở vỏ, thuốc có thể bị dịch ruột phân hủy hết quá nhanh, vậy là mất hoặc giảm tác dụng. Ngoài ra, một số thuốc khi bị hấp thu quá nhanh, nồng độ hóa chất trong máu tăng vọt có thể dẫn đến tác dụng phụ.
Để biết thuốc nào có thể uống chung với đồ uống khác, thuốc nào không, cách duy nhất là bạn phải hỏi bác sĩ kê toa xem nó có tương tác bất lợi với thứ đồ uống bạn định cho bé uống cùng hay không, có thể bẻ ra hay không.
Tốt nhất khi bé khó cho uống thuốc, bạn nên nói rõ điều này với bác sĩ để cân nhắc các cách uống hợp lý hơn, có thể cho thuốc dạng siro hoặc loại có vị mà bé dễ chấp nhận. Trẻ con mỗi bé mỗi tính, có bé chịu uống thuốc ngọt nhưng sợ thuốc đắng, có bé ngược lại.
Đồng thời các bạn nên xem kỹ toa thuốc để cho bé uống đúng lúc. Không chỉ đồ uống, thức ăn cũng có thể ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc: có thuốc cần uống lúc no, có thuốc cần uống lúc đói, loại này có thể vừa uống vừa ăn, loại này cần uống cách bữa ăn một khoảng thời gian nhất định… Nên tuân thủ điều này để thuốc phát huy hiệu quả tốt nhất, tránh tác dụng phụ.
Tin nổi bật
- Làm thế nào để đối phó với lo âu và trầm cảm
20/06/2024 - 10:47:23
- 5 cách phòng viêm quanh răng tránh nguy cơ rụng răng
12/03/2024 - 16:52:56
- Cách ngăn ngừa tình trạng thiếu vitamin D ở trẻ em
01/03/2024 - 11:22:11
- Bất ngờ với nguyên nhân gây viêm lợi nhiều người chưa biết
27/02/2024 - 11:38:18
- Tay chân bị lạnh vào mùa đông, nguyên nhân và cách khắc phục
26/02/2024 - 10:09:05
- Thời điểm tuyệt đối không nên massage cho trẻ
26/01/2024 - 10:30:39