Ù tai kéo dài, coi chừng bệnh trọng
Ai cũng có lúc bị ù tai. Có lúc chỉ thoáng ù tai rồi hết, có lúc bị ù tai lâu, rất khó chịu. Ù tai có thể là dấu hiệu thoáng qua nhưng cũng có thể gây ra bởi nhiều bệnh khác nhau. Khi chứng ù tai kéo dài, cần đến gặp bác sĩ để phát hiện và điều trị kịp thời.
Ù tai vì sao?
Ù tai là khi xuất hiện tiếng ồn hoặc tiếng kêu trong tai. Ù tai là tiếng kêu không mong muốn có nguồn gốc từ chính hệ thính giác hoặc các cơ quan lân cận và thường không thể nghe được bởi người khác. Phần lớn ù tai là những tiếng kêu đơn âm, tuy nhiên, có trường hợp tiếng ù có dạng là những âm phức như tiếng sóng biển, tiếng dế kêu, tiếng chuông reo hoặc tiếng nước thoát qua chỗ hẹp. Có thể bị ù tai trái hoặc ù tai phải, cũng có thể bị cả hai tai. Chứng ù tai có thể xảy ra liên tục hoặc từng lúc. Khi bị ù tai, người bệnh sẽ cảm nhận rõ về đêm hoặc những lúc yên tĩnh. Kèm theo chứng ù tai là hoa mắt, chóng mặt, đau đầu. Chứng ù tai không phải là một bệnh, đó là triệu chứng của một tình trạng bệnh tiềm ẩn.
Có nhiều nguyên nhân gây ù tai: Do áp lực công việc hoặc môi trường làm việc quá ồn ào... Do tuổi cao, ở người trên 60 tuổi, sự lão hóa ảnh hưởng tới cơ quan thính giác. Do sự tác động của âm thanh quá lớn, đột ngột hoặc kéo dài. Tai có dịch hoặc bị nhiễm trùng. Tai bị nhiễm độc do dùng một số thuốc gây ảnh hưởng không tốt cho tai như aspirin, gentamycin... Những đầu dây thần kinh thính giác rất nhỏ bị tổn thương ở trong tai. Dùng nhiều chất kích thích như rượu, thuốc lá làm tình trạng ù tai tăng lên. Các bệnh nghiêm trọng như phình mạch máu não hay u dây thần kinh tiền đình đều xuất hiện triệu chứng ù tai. Do các bệnh lý như thoái hóa đốt sống cổ, các bệnh lý về tai, mũi, họng..., các bệnh liên quan đến hệ thống mạch máu như phình động mạch, tăng huyết áp cũng gây ù tai. Sự rối loạn chuyển hóa gây xốp xơ tai cứng khớp hệ thống xương con, làm hệ thống này không rung động, cản trở sự dẫn truyền âm thanh gây tiếng ù trong tai. Do bị viêm xoang, viêm họng, đặc biệt bệnh nguy hiểm như ung thư vòm họng làm tắc vòi nhĩ sẽ bị ù tai.
Một vài trường hợp mắc chứng ù tai không rõ nguyên nhân, không có phương pháp điều trị đặc hiệu, bệnh nhân cần làm quen dần với triệu chứng này.
Ù tai gây ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe?
Ù tai không gây nguy hại tới người bệnh, tuy nhiên, nó gây ra cảm giác khó chịu, tâm trạng lo lắng, mất ngủ, suy nhược cơ thể...
Đối với những trường hợp ù tai đi kèm nghe kém đột ngột, phải đi khám ngay, được khám và điều trị càng sớm thì hiệu quả càng cao.
Khi người bệnh bị ù tai có kèm theo các triệu chứng khác như chóng mặt, bệnh lý tai trong, nghe kém, đau đầu hay bệnh lý tai giữa..., nên đến các cơ sở y tế để phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Cách phòng tránh ù tai
Tránh làm tổn thương đến thính giác là biện pháp phòng ngừa ù tai thực sự duy nhất. Hầu hết các nguyên nhân gây bệnh khác đều không có biện pháp phòng tránh ngoài chứng mất thị lực. Có một vài cách sau để phòng tránh ù tai: Khi ở trong môi trường có tiếng ồn lớn, cần mang đồ bảo vệ tai để làm giảm âm lượng tiếng ồn. Khi sử dụng tai nghe, không nên bật quá to hoặc nghe trong thời gian quá dài. Các tiếng ồn trong sinh hoạt hàng ngày như tiếng máy sấy, máy cắt cỏ cũng gây nên chứng ù tai, vì vậy, nên mang theo nút bịt tai khi làm các công việc này. Không nên sử dụng chất kích thích như rượu, thuốc lá, tránh tiếp xúc thụ động với khói thuốc. Giữ tâm trạng thoải mái, tránh lo âu. Các chất kích thích làm giảm lưu thông máu đến cấu trúc tai cũng là nguyên nhân gây ù tai. Gạc bông có thể khiến ráy tai cọ xát vào màng nhĩ, gây ù tai, vì vậy, không nên sử dụng miếng gạc bông để làm sạch lỗ tai.
Tỷ lệ những người béo phì mắc chứng ù tai thường cao hơn so với người bình thường. Những người béo phì dễ mắc bệnh tăng huyết áp khiến tai dễ nhạy cảm hơn với tiếng ồn. Cần duy trì chế độ luyện tập thể dục thường xuyên, duy trì trọng lượng cơ thể để làm tăng lưu thông máu đến các cấu trúc tai và giúp phòng tránh được bệnh ù tai.
Ù tai gây nhiều bất lợi trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày. Chính vì vậy, cần có các biện pháp phòng tránh thích hợp như tăng cường thể dục, thể thao, tránh môi trường ồn ào..., có lối sống lành mạnh và nghỉ ngơi hợp lý. Đồng thời, cần kiểm tra sức khỏe thường xuyên để phát hiện và điều trị kịp thời.
BS. Lê Định
Link nguồn:
https://suckhoedoisong.vn/u-tai-keo-dai-coi-chung-benh-trong-n179841.html
Theo suckhoedoisong.vn
Tin nổi bật
- Làm thế nào để đối phó với lo âu và trầm cảm
20/06/2024 - 10:47:23
- 5 cách phòng viêm quanh răng tránh nguy cơ rụng răng
12/03/2024 - 16:52:56
- Cách ngăn ngừa tình trạng thiếu vitamin D ở trẻ em
01/03/2024 - 11:22:11
- Bất ngờ với nguyên nhân gây viêm lợi nhiều người chưa biết
27/02/2024 - 11:38:18
- Tay chân bị lạnh vào mùa đông, nguyên nhân và cách khắc phục
26/02/2024 - 10:09:05
- Thời điểm tuyệt đối không nên massage cho trẻ
26/01/2024 - 10:30:39