Tránh thai bằng que cấy
Que cấy ngừa thai có hiệu quả trên 99%, tác dụng 3 năm, có thể gây một số tác dụng phụ.
Que cấy ngừa thai là một thanh nhựa nhỏ có chứa nội tiết tố được cấy dưới da cánh tay. Nội tiết tố này có tác dụng ức chế rụng trứng, làm mỏng nội mạc tử cung và làm cho dịch nhầy cổ tử cung đặc lại, ngăn chặn sự xâm nhập của tinh trùng.
Khi cấy que ngừa thai, bác sĩ sẽ gây tê mặt trong cánh tay không thuận (thường là tay trái), sau đó dùng một dụng cụ chuyên biệt để luồn que cấy dưới da. Thủ thuật khá nhẹ nhàng và nhanh chóng, cảm giác giống như một cây tăm ở dưới da. Khi tháo bỏ, bác sĩ cũng sẽ gây tê rồi dùng dụng cụ gắp ra nhẹ nhàng.
Ưu điểm que cấy tránh thai
Que cấy ngừa thai có hiệu quả cao hàng đầu trong các biện pháp ngừa thai, trên 99%. Que có tác dụng 3 năm. Khi muốn có con trở lại, chỉ việc tháo bỏ que cấy ra. 90% phụ nữ sẽ rụng trứng 3-4 tuần sau tháo que. Cấy que dưới cánh tay khá nhẹ nhàng, kín đáo, người ngoài khó nhận ra được.
Phương pháp này thích hợp cho những người hay quên uống thuốc ngừa thai hàng ngày, không dùng được thuốc vỉ ngừa thai có chứa estrogen như khi đang cho con bú, tăng huyết áp, hút thuốc lá, tiểu đường, trên 40 tuổi... Giải pháp này cũng không lo các biến chứng như đặt vòng ngừa thai trong lòng tử cung gây viêm nhiễm vùng sinh dục, vòng tuột thấp làm có thai ngoài ý muốn, không ảnh hưởng đến quan hệ vợ chồng, có thể làm giảm lượng máu kinh và đau bụng kinh.
Que tránh thai được cấy vào dưới mặt trong cánh tay. Ảnh: mrt
Nhược điểm
Que cấy tránh thai có giá thành cao hơn đặt vòng. Một số tai biến có thể gặp khi cấy que là tụ máu, nhiễm trùng chỗ cấy, dị ứng, que cấy dịch chuyển (thường dưới 2 cm). Các tai biến này có tỷ lệ khá thấp, chỉ từ 0,2-1%. Nên báo ngay với bác sĩ nếu bạn không sờ thấy que cấy hoặc que cấy bị cong, da vùng cấy bị tấy sưng đỏ hay có bất cứ gì lạ.
Tác dụng phụ
Thay đổi thường gặp trong những tháng đầu sau cấy là nhức đầu, nổi mụn, tăng cân, căng vú, thay đổi tính khí, thay đổi kinh nguyệt, chu kỳ kinh ít đi và có khi là không có kinh. Thay đổi này do tác dụng của thuốc nội tiết, không phải là bệnh. Khi tháo que cấy ra thì kinh nguyệt sẽ trở lại bình thường.
Một số ít người kinh nguyệt nhiều lên, rong kinh, không ào ạt mà mỗi ngày một ít. Bác sĩ có thể cho một số thuốc để hỗ trợ, nếu tình trạng không cải thiện thì phải cân nhắc lấy que ra.
Cấy que không ngừa được bệnh lây truyền qua đường tình dục như HIV, giang mai, lậu, Herpes, viêm gan B.
Khi nào có thể cấy que
Có thể cấy que bất cứ lúc nào, miễn chắc chắn mình không mang thai. Thường cấy trong vòng 5 ngày đầu của chu kỳ kinh, tức là 5 ngày đầu kể từ ngày ra kinh đầu tiên hoặc trong vòng 5 ngày đầu sau sảy thai, trong vòng 21 ngày ngay sau sinh. Que bắt đầu có tác dụng ngừa thai sau 7 ngày kể từ khi cấy, do đó quan hệ trong thời gian này vẫn nên dùng bao cao su.
Trường hợp không nên cấy que
Khi có khả năng đang mang thai. Trước khi cấy, cần làm xét nghiệm để chắc chắn mình không mang thai.
Không muốn chu kỳ kinh bị thay đổi.
Uống một số thuốc có thể làm giảm hiệu quả ngừa thai, như thuốc điều trị HIV, lao, động kinh, một số thuốc kháng sinh như rifambutin, rifampicin.
Chảy máu không rõ nguyên nhân giữa các chu kỳ kinh hoặc sau khi quan hệ.
Có tiền sử ung thư vú, đột quỵ, bệnh gan nặng, bệnh huyết khối.
Bác sĩ Phan Diễm Đoan Ngọc
Bệnh viện Từ Dũ
Tin nổi bật
- Làm thế nào để đối phó với lo âu và trầm cảm
20/06/2024 - 10:47:23
- 5 cách phòng viêm quanh răng tránh nguy cơ rụng răng
12/03/2024 - 16:52:56
- Cách ngăn ngừa tình trạng thiếu vitamin D ở trẻ em
01/03/2024 - 11:22:11
- Bất ngờ với nguyên nhân gây viêm lợi nhiều người chưa biết
27/02/2024 - 11:38:18
- Tay chân bị lạnh vào mùa đông, nguyên nhân và cách khắc phục
26/02/2024 - 10:09:05
- Thời điểm tuyệt đối không nên massage cho trẻ
26/01/2024 - 10:30:39