Thiếu máu là bệnh gì? Có nguy hiểm không?
Thiếu máu là tình trạng máu không đủ số lượng hồng cầu khỏe mạnh mang oxy cùng chất dinh dưỡng đến các cơ quan trên cơ thể. Thiếu máu khiến các cơ quan kém hoạt động, người bệnh thấy mệt mỏi, yếu ớt, dễ mắc bệnh.
1. Thiếu máu là gì?
Thiếu máu là hiện tượng giảm lượng huyết sắc tố và số lượng hồng cầu trong máu ngoại vi dẫn đến thiếu oxy cung cấp cho các mô tế bào, trong đó giảm huyết sắc tố là quan trọng nhất.
Thiếu máu xảy ra khi mức độ huyết sắc tố lưu hành thấp hơn mức độ của một người khỏe mạnh nên thực chất thiếu máu là sự thiếu hụt lượng huyết sắc tố trong máu lưu hành. Thiếu máu là một hội chứng hay gặp, nhất là khi mắc các bệnh về máu.
2. Triệu chứng khi thiếu máu
Chẩn đoán hội chứng thiếu máu phải dựa vào các triệu chứng lâm sàng thường thấy:
- Cảm thấy ù tai, hoa mắt, chóng mặt thường xuyên hay thay đổi tư thế và khi gắng sức. Thậm chí có thể ngất lịm, nhất là khi thiếu máu nhiều.
- Người bệnh nhức đầu, giảm trí nhớ, mất ngủ và thay đổi tính tình, hay cáu gắt,
- Tê tay chân, giảm sức lao động trí óc và chân tay.
- Hay cảm thấy hồi hộp đánh trống ngực, khó thở. Có thể đau vùng trước tim do bị thiếu máu cơ tim.
- Người bệnh chán ăn, đầy bụng, đau bụng, phân lỏng hoặc táo bón.
Ngoài ra, người bệnh có thể tự nhận biết phát hiện:
- Niêm mạc nhợt nhạt, da xanh xao, có thể kèm vàng da; hoặc có thể sạm da, niêm mạc, nếu thiếu máu do rối loạn chuyển hóa sắt. Đặc biệt rõ ở vị trí da mỏng, trắng như mặt, lòng bàn tay... hoặc ở niêm mạc mắt, môi, lưỡi, vòm miệng...
- Lưỡi có màu nhợt, hoặc có thể nhợt vàng trong huyết tán, hoặc nhìn như có bựa bẩn khi thiếu máu do nhiễm khuẩn; hoặc lưỡi đỏ lừ, dày lên trong thiếu máu Biermer; Gai lưỡi mòn hay mất làm lưỡi nhẵn bóng, có thể có vết ấn răng.
- Bị rụng tóc, móng tay giòn dễ gẫy…
- Tim đập nhanh và có thể có tiếng thổi tâm thu thiếu máu. Nếu thiếu máu lâu mà không được phát hiện và điều trị có thể dẫn đến suy tim.
Chính vì vậy, nếu thấy mình có các triệu chứng trên cần đi khám bệnh để các bác sĩ chẩn đoán xác định, tìm nguyên nhân và điều trị bệnh kịp thời.
Thiếu máu có thể dẫn đến suy tim rất nguy hiểm.
3. Nguyên nhân gây thiếu máu
- Thiếu máu do thiếu sắt: Gặp ở những bệnh nhân bị các bệnh lý gây mất máu: giun móc, viêm loét dạ dày, cường kinh, rong huyết ở phụ nữ, u chảy máu trĩ...; Chảy máu tiêu hóa do dùng thuốc chống viêm không steroid như ibuprofen hay aspirin trong điều trị bệnh một thời gian dài.
- Do thiếu acid folic: Ở những bệnh nhân nghiện rượu, kém hấp thu, sử dụng thuốc ngừa thai...
- Do thiếu vitamin B12: Gặp ở bệnh nhân bị cắt đoạn dạ dày, thiểu năng tuyến tụy, viêm hay cắt đoạn hồi tràng…
- Do hiến máu thường xuyên.
- Thiếu máu do bất thường di truyền: Bất thường trong cấu tạo chuỗi Hemoglobin hồng cầu, dẫn đến thời gian sống của hồng cầu rút ngắn.
- Do tán huyết miễn dịch: Khi trong cơ thể tồn tại kháng thể bất thường chống lại hồng cầu, làm hồng cầu bị vỡ và gây nên hiện tượng thiếu máu.
- Do suy tủy xương: Tủy xương không sản xuất đủ tế bào máu cần thiết cho cơ thể, nguyên nhân: nhiễm trùng, hóa chất, tia xạ, di truyền…
- Do suy thận mạn: Gây ra hiện tượng giảm tế bào cạnh cầu thận, làm thiếu máu.
- Thiếu máu do nhiễm độc chì: Đối tượng nguy cơ cao mắc phải tình trạng này là công nhân tiếp xúc nhiều với trì hoặc trẻ em uống phải sơn pha chì.
4. Đối tượng nguy cơ mắc bệnh thiếu máu
Các yếu tố nguy cơ:
- Người có chế độ dinh dưỡng không đầy đủ, thiếu sắt, vitamin B12, folate.
- Bị rối loạn đường ruột dẫn đến sự hấp thu kém các chất dinh dưỡng trong ruột non.
- Phụ nữ trong thời kỳ kinh nguyệt;
- Phụ nữ trong quá trình mang thai.
- Bệnh nhân có bệnh mãn tính: ung thư, suy thận, suy gan…
- Tiền sử gia đình mắc các bệnh máu di truyền.
- Những yếu tố khác: tiền sử nhiễm trùng, bệnh về máu, rối loạn tự miễn, nghiện rượu, sử dụng thuốc… cũng gây hiện tượng thiếu máu.
5. Biện pháp điều trị thiếu máu
Điều trị thiếu máu trên nguyên tắc chung là phải xác định nguyên nhân để điều trị và truyền bù khối hồng cầu.
Biện pháp điều trị thiếu máu dựa trên nguyên nhân gây bệnh:
- Thiếu máu ở mức độ nặng: dùng thuốc dựa theo căn nguyên gây bệnh kết hợp với truyền máu.
- Thiếu máu do mắc bệnh tự miễn: có thể dùng thuốc ức chế hệ miễn dịch, corticosteroid.
- Thiếu máu do thiếu sắt: Bác sĩ sẽ tư vấn bổ sung sắt, acid folic, vitamin B12 và các loại vitamin cùng khoáng chất khác.
6. Thiếu máu có nguy hiểm?
Thiếu máu là một tình trạng không thể chủ quan, cần phải phát hiện để điều trị càng sớm càng tốt vì nếu kéo dài, người bệnh có thể sẽ bị nhiều biến chứng nguy hiểm như:
- Cơ thể bị suy nhược ở mức độ trầm trọng;
- Thai kỳ gặp biến chứng, có thể gây sinh non;
- Có thể gặp vấn đề tim mạch;
- Bị thiếu máu não;
- Suy tim và cuối cùng là tử vong.
7. Lời khuyên của bác sĩ
Không để thiếu máu và khắc phục thiếu máu bằng cách:
- Ăn uống vệ sinh, khoa học, đầy đủi các thành phần, dưỡng chất cần thiết cho cơ thể…;
- Hạn chế ăn gia vị nhân tạo, dầu mỡ…
- Xây dựng chế độ sinh hoạt, làm việc cân đối;
- Tập luyện thường xuyên để nâng cao sức khỏe.
- Phụ nữ cần lưu ý đến kinh kỳ, thai kỳ; Cần bổ sung sắt uống, ăn thức ăn giàu sắt nếu thiếu.
- Không để thiếu máu kéo dài. Nếu thấy có triệu chứng thiếu máu cần lắng nghe cơ thể và khám và làm xét nghiệm công thức máu ngay.
- Nên khám sức khỏe định kỳ hàng năm.
Tin nổi bật
- Làm thế nào để đối phó với lo âu và trầm cảm
20/06/2024 - 10:47:23
- 5 cách phòng viêm quanh răng tránh nguy cơ rụng răng
12/03/2024 - 16:52:56
- Cách ngăn ngừa tình trạng thiếu vitamin D ở trẻ em
01/03/2024 - 11:22:11
- Bất ngờ với nguyên nhân gây viêm lợi nhiều người chưa biết
27/02/2024 - 11:38:18
- Tay chân bị lạnh vào mùa đông, nguyên nhân và cách khắc phục
26/02/2024 - 10:09:05
- Thời điểm tuyệt đối không nên massage cho trẻ
26/01/2024 - 10:30:39