Quy trình xét nghiệm máu nhiễm mỡ và những lưu ý
Xét nghiệm mỡ máu là một xét nghiệm máu để đo lượng cholesterol và chất béo trung tính có trong máu. Xét nghiệm này rất quan trọng và được thực hiện thường quy nhằm xác định nguy cơ tích tụ chất béo trong động mạch có thể dẫn đến xơ vữa động mạch.
Nếu bị máu nhiễm mỡ, người bệnh đối diện nguy cơ xơ vữa động mạch dẫn đến đột quỵ, tai biến mạch máu não… Để biết được nồng độ cholesterol cao hay thấp, người bệnh phải xét nghiệm mỡ máu. Vì cholesterol là chất mỡ không tan trong nước nên để di chuyển trong máu, buộc phải kết hợp với protein để có thể tự do di chuyển. Cholesterol chỉ gây hại khi xảy ra tình trạng rối loạn cholesterol do tăng cao trong máu.
Xét nghiệm máu nhiễm mỡ thường được chỉ định cho tất cả đối tượng ở độ tuổi trung niên trở lên, người có người thân trong gia đình bị máu nhiễm mỡ, thừa cân béo phì, nguy cơ bị tim mạch, đái tháo đường, bệnh thận, suy giáp… Với nhiều người dân ở thành thị, thậm chí có thể xét nghiệm sớm hơn do lối sống ít vận động và tiêu thụ nhiều thức ăn nhanh.
Xét nghiệm mỡ máu để đo lượng cholesterol và chất béo trung tính có trong máu.
1. Xét nghiệm máu nhiễm mỡ gồm những chỉ số nào?
4 chỉ số quan trọng khi xét nghiệm mỡ máu cho người bệnh, bao gồm:
- Cholesterol toàn phần
- LDL-cholesterol (LDL-c)
- HDL-cholesterol (HDL-c)
- Triglyceride.
Dựa vào những chỉ số xét nghiệm về mỡ máu, bác sĩ có thể đánh giá tình trạng người bệnh có bị máu nhiễm mỡ hay không, máu nhiễm mỡ ở mức độ nào, có ảnh hưởng đến các bệnh liên quan khác như tim mạch, đái tháo đường, tim mạch, xơ vữa động mạch… hay không.
Nếu kết quả xét nghiệm có chỉ số cholesterol toàn phần <130 mg/dL (<3.3 mmol/L), chứng tỏ bạn có nồng độ mỡ máu toàn phần bình thường.
Nếu kết quả xét nghiệm có chỉ số cholesterol toàn phần > 160 mg/dL (>4.1mmol/L), chứng tỏ sức khỏe của bạn đang ở ngưỡng nguy hại.
2. Yếu tố ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm
Cholesterol có trong máu được hình thành từ 2 nguồn: Thức ăn được đưa vào cơ thể mỗi ngày và nguồn do gan - ruột tổng hợp.
Chính vì liên quan đến nguồn thực phẩm đưa vào, do đó, kết quả xét nghiệm máu nhiễm mỡ chịu ảnh hưởng từ chế độ ăn uống của người bệnh. Nếu như trước khi đi xét nghiệm, người bệnh ăn nhiều thực phẩm giàu cholesterol như lòng đỏ trứng, thịt mỡ, da gà, da vịt, thức ăn nhanh… sẽ làm tăng nồng độ cholesterol trong máu dẫn đến kết quả xét nghiệm sai lệch.
Ngoài ra, các chỉ số xét nghiệm mỡ máu có thể bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố khác như:
- Thời tiết: Vào mùa lạnh lượng mỡ máu sẽ cao hơn mùa hè.
- Độ tuổi: Người nghiện thuốc lá, tuổi cao (nam, nữ > 45 tuổi) thường tăng cholesterol trong máu.
- Bệnh mạn tính: Người bệnh tăng huyết áp > 140/90 mmHg hoặc dùng thuốc điều trị tăng huyết áp, bệnh tim và đái tháo đường cũng có cholesterol cao hơn.
- Thuốc: Một số loại thuốc an thần, thuốc ngừa thai, thuốc chẹn bêta giao cảm, steroid tăng chuyển hóa, thuốc lợi tiểu nhóm thiazid… cũng làm tăng cholesterol.
3. Quy trình thực hiện xét nghiệm
3.1 Trước xét nghiệm
Nhịn đói tối thiểu 10 giờ và tối đa 14 giờ (tránh quá lâu sẽ thay đổi chuyển hóa năng lượng làm tăng triglycerides).
3.2 Xét nghiệm
Bác sĩ khám và chỉ định xét nghiệm nếu cần. Người bệnh được lấy máu xét nghiệm và mẫu máu được vận chuyển đến ngay Trung tâm Xét nghiệm.
3.3 Sau xét nghiệm
Người bệnh nhận được kết quả xét nghiệm máu và sau khi bác sĩ đọc kết quả sẽ đưa ra hướng tư vấn, điều trị hiệu quả cho bệnh nhân. Dựa vào kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ quyết định tần suất xét nghiệm vào những lần tiếp theo.
Nên lấy mẫu máu xét nghiệm vào buổi sáng để đảm báo độ chính xác.
4. Một số lưu ý khi xét nghiệm máu nhiễm mỡ
4.1 Thời điểm xét nghiệm
Tùy vào thời điểm lấy máu, nồng độ một số chất có thể thay đổi, đơn cử như xét nghiệm nồng độ cortisol, sắt huyết thanh, đường huyết sẽ cao nhất vào buổi sáng từ 6 - 8 giờ nhưng giảm dần vào buổi chiều và đến nửa đêm. Do đó, thời điểm lấy máu xét nghiệm mỡ máu tốt nhất nên thực hiện vào buổi sáng.
4.2 Người bệnh máu nhiễm mỡ cần nhịn ăn trước khi xét nghiệm
Người bệnh máu nhiễm mỡ cần nhịn ăn tối thiểu 10 tiếng, việc ăn uống quá mức dẫn đến huyết tương/huyết thanh đục sẽ gây sai số.
Không hút thuốc lá trong thời gian lấy máu, tránh uống rượu bia, thức uống có ga quá mức vào đêm trước ngày lấy máu và tốt nhất là trước thời điểm xét nghiệm 24 giờ. Nếu không, kết quả xét nghiệm máu sẽ không chính xác do thuốc lá, các loại nước này tác động đến chỉ số sinh hóa máu.
4.3 Uống đủ nước
Uống nước lọc đầy đủ rất cần thiết, giúp người bệnh tránh mệt mỏi, bụng đói do chưa thể ăn sáng. Chưa kể, uống đủ nước góp phần giúp người bệnh máu nhiễm mỡ giảm căng thẳng vì ít khi đi khám bệnh hay sợ lấy máu.
Tin nổi bật
- Làm thế nào để đối phó với lo âu và trầm cảm
20/06/2024 - 10:47:23
- 5 cách phòng viêm quanh răng tránh nguy cơ rụng răng
12/03/2024 - 16:52:56
- Cách ngăn ngừa tình trạng thiếu vitamin D ở trẻ em
01/03/2024 - 11:22:11
- Bất ngờ với nguyên nhân gây viêm lợi nhiều người chưa biết
27/02/2024 - 11:38:18
- Tay chân bị lạnh vào mùa đông, nguyên nhân và cách khắc phục
26/02/2024 - 10:09:05
- Thời điểm tuyệt đối không nên massage cho trẻ
26/01/2024 - 10:30:39