Nỗi phiền toái mang tên viêm nha chu
Các vấn đề răng miệng liên quan đến nha chu có thể gây nhiều phiền toái cho chúng ta, tuy nhiên chúng ta có thể phòng ngừa thông qua việc vệ sinh răng miệng đúng cách cùng thăm khám nha khoa định kỳ.
Nha chu: Là phần mô nâng đỡ răng, các bệnh lý liên quan đến khu vực nâng đỡ này như bệnh lý về nướu, xương ổ răng (giữ răng), xi măng (phần dính vào chân răng), dây chằng nha chu (neo giữ răng); được gọi chung là các bệnh liên quan đến nha chu. Viêm nha chu là bệnh lý liên quan đến mô nha chu trong giai đoạn nặng. Giai đoạn nhẹ thường gọi là viêm nướu. Viêm nha chu là tiến triển bệnh nặng, ảnh hưởng đến các thành phần khác của mô nha chu.
Thực trạng: Viêm nha chu có thể gặp ở nhiều đối tượng khác nhau, tỷ lệ người trẻ đang ngày càng gia tăng chứ không chỉ xuất hiện ở người lớn tuổi. Một nguyên nhân có thể lý giải cho thực trạng này là sự thay đổi lối sống. Giới trẻ có lối sống nhanh, vội, sử dụng nhiều các sản phẩm thức ăn nhanh, nước ngọt có gas… mà không có biện pháp vệ sinh răng miệng kịp thời đúng cách, gây ra những ảnh hưởng có hại cho mô nha chu. Tỷ lệ bệnh nha chu còn có sự khác biệt tại khu vực thành thị và nông thôn, do nhiều vấn đề về nhận thức và thói quen vệ sinh răng miệng.
Vệ sinh răng miệng là một trong những biện pháp giúp phòng ngừa bệnh nha chu hiệu quả
Nguyên nhân gây bệnh
Viêm nha chu mãn tính, viêm nha chu do sự tấn công của vi khuẩn. Khởi nguồn là sự tích tụ các mảng bám, mảnh thức ăn vào các tổ chức sâu bên dưới của mô nha chu, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển, sinh sôi của các vi khuẩn gây hại. Trong quá trình phát triển của các vi khuẩn này có sự phát sinh các độc tố gây kích thích viêm (chảy máu, tiêu xương, tiêu nướu làm răng suy yếu và lộ chân răng gây nên hiện tượng tụt nướu, lung lay răng). Một số nguyên nhân khác như bệnh tiểu đường, bệnh về máu, bệnh mô nướu, bệnh mô liên kết cũng có thể gây ra tình trạng viêm nha chu.
Triệu chứng của bệnh
Chảy máu nướu: Bệnh nhân thường đến than phiền việc bị chảy máu trong quá trình đánh răng, chảy máu có nguồn gốc từ nướu răng. Việc chảy máu từ nướu răng là hiện tượng nướu răng đang có hiện tượng viêm (kém săn chắc, dễ chảy máu), khi thăm khám chạm nhẹ vào nướu là có dấu hiệu chảy máu nướu. Đây có thể là dấu hiệu đầu tiên của viêm nha chu.
Răng lung lay: Răng lung lay cũng là dấu hiệu viêm nha chu đang tấn công vào cấu trúc xương ổ răng làm tiêu xương, ảnh hưởng rõ rệt đến sự nâng đỡ của răng nên làm suy yếu; khiến răng không bám chắc được với cấu trúc bên dưới, gây lung lay răng.
Hôi miệng: Các ổ viêm nha chu phát sinh nhiều trong khoang miệng, sự sinh sôi của vi khuẩn trong các ổ viêm phát sinh ra nhiều thành phần có mùi và gây hôi miệng. Một số nguyên nhân khác như bệnh lý hô hấp, tiêu hóa cũng có thể gây ra tình trạng hôi miệng.
Vôi răng và mảng bám là một trong những nguyên nhân gây bệnh viêm nha chu
Biến chứng của viêm nha chu
Viêm nha chu có thể gây nhiều biến chứng khác nhau, ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt cũng như cuộc sống, sự tự tin, giao tiếp của người bệnh. Viêm nha chu làm răng yếu, lung lay, đau nên dễ gây ra tình trạng khó khăn trong việc ăn uống sinh hoạt, nếu nặng có thể dẫn đến mất răng.
Chảy máu và mủ ở nướu răng có thể là một trong những giai đoạn của viêm nha chu đặc biệt là tình trạng cấp tính (chảy mủ, xì mủ). Đây là hiện tượng áp-xe nha chu, cần được xử lý khối mủ viêm trong giai đoạn cấp tính này.
Viêm nha chu có thể biểu hiện đến nhiều bệnh toàn thân, chẳng hạn như tiểu đường, dấu hiệu chảy máu nướu cũng có thể liên quan đến ung thư máu (chảy máu nướu giai đoạn sớm).
Điều trị bệnh viêm nha chu
Ở giai đoạn đầu là giai đoạn viêm nướu, chỉ định thông thường là chỉ định cạo vôi răng. Với tình trạng nha chu thì phải lấy sạch vôi răng dưới nướu để loại bỏ toàn bộ phần vôi răng. Ngoài ra cần làm sạch sâu túi nha chu để đảm bảo khả năng bám của răng và nướu.
Với trường hợp răng lung lay nhưng còn cứu được răng thì có thể thực hiện các thủ thuật, phẫu thuật ghép xương, ghép nướu… trong trường hợp cần thiết. Nhổ răng là biện pháp cuối cùng trong điều trị bệnh lý nha chu.
Viêm nha chu là quá trình điều trị kéo dài, có thể phải thực hiện nhiều lần với sự hợp tác điều trị chặt chẽ của bệnh nhân làm chậm tiến triển bệnh, lui bệnh về mức tương đối chứ việc hồi phục hoàn toàn của mô nha chu là rất khó.
Cần thay đổi thói quen vệ sinh răng miệng
Thực phẩm tiêu thụ cũng có ảnh hưởng đến sức khỏe nha chu. Một số thực phẩm dễ hình thành mảng bám, có chứa nhiều đường có thể là yếu tố tiềm ẩn của bệnh viêm nha chu. Một số thực phẩm giàu chất xơ ngược lại cũng giúp ích cho quá trình làm sạch các thành phần mảng bám.
Niềng răng là một yếu tố nguy cơ cho bệnh viêm nha chu. Các mắc cài được dùng trong quá trình niềng răng ảnh hưởng đến quá trình vệ sinh răng miệng, do đó cần sử dụng vệ sinh răng miệng phù hợp để đảm bảo vệ sinh răng miệng sạch sẽ.
Răng sứ thẩm mỹ có nguy cơ xâm lấn xuống khe nướu, vi phạm đến khu vực chân nướu, có thể gây viêm nha chu.
Một số phương pháp dân gian có thể hỗ trợ cho các vấn đề nha chu giúp mau lành nướu và săn chắc hơn, nhưng cần có sự phối hợp với việc vệ sinh răng miệng, để loại bỏ các mảng bám. Nếu không loại bỏ được “ổ bệnh” thì việc làm săn chắc nướu cũng không giải quyết dứt điểm được bệnh.
TS.BS HỒ NGUYỄN THANH CHƠN
Link nguồn:
https://suckhoedoisong.vn/noi-phien-toai-mang-ten-viem-nha-chu-n178604.html
Theo suckhoedoisong.vn
Tin nổi bật
- Làm thế nào để đối phó với lo âu và trầm cảm
20/06/2024 - 10:47:23
- 5 cách phòng viêm quanh răng tránh nguy cơ rụng răng
12/03/2024 - 16:52:56
- Cách ngăn ngừa tình trạng thiếu vitamin D ở trẻ em
01/03/2024 - 11:22:11
- Bất ngờ với nguyên nhân gây viêm lợi nhiều người chưa biết
27/02/2024 - 11:38:18
- Tay chân bị lạnh vào mùa đông, nguyên nhân và cách khắc phục
26/02/2024 - 10:09:05
- Thời điểm tuyệt đối không nên massage cho trẻ
26/01/2024 - 10:30:39