Những lưu ý cho sức khỏe trẻ nhỏ mùa xuân
Các vấn đề tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm
Thực phẩm ngày tết thường được chế biến sẵn, dự trữ nhiều ngày. Vì vậy, những ngày Tết và sau Tết là lúc trẻ dễ găp các vấn đề liên quan đến hệ tiêu hóa như khó tiêu, đầy bụng… hay nguy hiểm hơn có thể gặp các vấn đề ngộ độc thức ăn có thể tiềm ẩn rủi ro lớn.
Biểu hiện: nôn, buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng, có thể có sốt, đau đầu
Nguyên nhân thường gặp:
- Thực phẩm hoặc nước bị ô nhiễm,
- Tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh,
- Không rửa tay sạch trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh.
Cách phòng tránh:
- Giữ vệ sinh sạch sẽ, rửa tay thường xuyên,
- Chú ý nấu ăn vừa đủ trong ngày, tránh đồ ăn lưu trữ lâu hoặc hâm lại nhiều lần,
- Tránh thịt hoặc cá chưa nấu chín, thức ăn sống, chỉ uống nước đóng chai khi đi du lịch.
Cảm cúm
Sự thay đổi thời tiết trong dịp Tết có thể là nguyên nhân làm tăng nguy cơ cảm, cúm ở trẻ nhỏ. Trong một số trường hợp có thể phát triển thành viêm tiểu phế quản hoặc viêm phổi.
Biểu hiện: Ho, sổ mũi, đau họng, sốt. Có thể sốt cao, đau họng, đau đầu, đau cơ.
Nguyên nhân: Cảm thường do nhiễm trùng hệ hô hấp trên do virus gây ra, do tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh hoặc hít phải dịch tiết có chứa virut cúm (do người bệnh hắt hơi, ho).
Phòng ngừa: Rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc người bệnh.
Xử trí:
- Uống thuốc hạ sốt khi cần khi sốt cao (thân nhiệt trên 38,5 độ C),
- Uống đủ nước, ăn uống, nghỉ ngơi đầy đủ,
- Theo dõi các dấu hiệu của biến chứng nặng để đi khám ngay.
Viêm tiểu phế quản, viêm phổi
Thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, đa số do nhiễm virus hô hấp hợp bào (RSV).
Trong hầu hết các trường hợp, các triệu chứng tương đối nhẹ, giống triệu chứng cảm lạnh.
Nhưng đối với trẻ em bị sanh non, trẻ có hệ thống miễn dịch kém, bị bệnh tim bẩm sinh hoặc bệnh phổi mãn tính, hoặc trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi, bệnh có thể trở nên trầm trọng cần cấp cứu.
Bệnh tay chân miệng
Bệnh tay - chân - miệng (BTCM) là một bệnh truyền nhiễm do vi-rút gây ra, có biểu hiện sốt và mụn nước, thường thấy xuất hiện tập trung ở lòng bàn tay, lòng bàn chân và ở bên trong miệng. BTCM phần lớn ảnh hưởng đến đối tượng trẻ em dưới 10 tuổi và thường gặp nhất là ở lứa tuổi dưới 5. Ngày Tết, việc vui chơi và tiếp xúc với nhiều trẻ nhỏ khác có thể bị ảnh hưởng bởi BTCM do bệnh lây qua tiếp xúc từ người sang người. Đặc biệt trẻ còn nhỏ sẽ là đối tượng dễ bị lây bệnh nhất. Các dấu hiệu biểu hiện ban đầu như đau họng, sốt, nổi mẩn đỏ (dạng hồng ban mụn nước) ở miệng, tay, chân hoặc mông, loét họng, lưỡi và miệng, biếng ăn
Bệnh tay - chân - miệng thường xuất hiện tập trung ở lòng bàn tay
Phòng tránh:
- Rửa tay bằng xà phòng và nước trước và sau khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Tránh dùng chung đồ ăn, thức uống, đồ dùng cá nhân với người khác.
- Tránh chạm vào mắt, mũi và miệng bằng tay không sạch.
- Khử trùng đồ chơi và các bề mặt thường xuyên chạm vào (tay nắm cửa, bàn, ghế…).
Dị ứng
Thời tiết thay đổi thất thường và lịch sinh hoạt, ăn uống trong ngày Tết cũng thay đổi, có thể làm khởi phát một số bệnh dị ứng.
- Dị ứng thức ăn: Do không để ý được tất cả thức ăn trong các bữa tiệc. Có thể trẻ sẽ bị nổi mề đay, nổi mẩn dị ứng do ăn phải thức ăn có thành phần gây dị ứng.
Nguy hiểm là các phản ứng dị ứng mạnh gây sưng phù mặt, mắt, môi hoặc gây tình trạng khó thở, thở rít; cần phải đưa trẻ đi khám ngay.
- Dị ứng da: Bé được đi chơi nhiều, có thể sẽ tiếp xúc với những chất gây dị ứng làm bé bị viêm da dị ứng; những bé vốn bị chàm da có thể bị nặng hơn.
Nếu vùng da bị sưng đỏ, chảy dịch, cần đưa trẻ đi khám. Không nên tự ý bôi các thuốc không rõ thành phần thuốc chưa được bác sĩ hướng dẫn sử dụng.
- Dị ứng hô hấp: Viêm mũi dị ứng, viêm xoang, nặng hơn có thể là khởi phát cơn hen suyễn khi di chuyển nhiều đến những nơi khác nhau, thay đổi khí hậu, những khu vực mà trong không khí chứa nhiều các chất gây kích ứng dị ứng đường hô hấp (phấn hoa, khói thuốc lá, bụi…).
Cần đưa trẻ đi khám bác sĩ ngay nếu trẻ sốt cao, khò khè, thở mệt.
Phòng tránh:
- Cần lưu ý giữ vệ sinh cá nhân tốt. Rửa tay thường xuyên, vệ sinh răng miệng.
- Chú ý đến những thức ăn trẻ ăn vào, nhất là những thức ăn bé đã từng bị dị ứng và những thức ăn trẻ chưa từng thử trước đây.
- Những trẻ bị dị ứng đang được điều trị thuốc nên tiếp tục duy trì đều đặn theo chỉ định của bác sĩ, không nên lơ là (đặc biệt những bé bị hen suyễn, chàm da).
Lễ Tết là dịp gia đình được nghỉ ngơi, vui chơi. Các bậc cha mẹ cần chú ý những vấn đề bệnh lý, cách phòng tránh bệnh để các bé và cả gia đình thoải mái vui xuân.
TUẤN DŨNG
Tin nổi bật
- Làm thế nào để đối phó với lo âu và trầm cảm
20/06/2024 - 10:47:23
- 5 cách phòng viêm quanh răng tránh nguy cơ rụng răng
12/03/2024 - 16:52:56
- Cách ngăn ngừa tình trạng thiếu vitamin D ở trẻ em
01/03/2024 - 11:22:11
- Bất ngờ với nguyên nhân gây viêm lợi nhiều người chưa biết
27/02/2024 - 11:38:18
- Tay chân bị lạnh vào mùa đông, nguyên nhân và cách khắc phục
26/02/2024 - 10:09:05
- Thời điểm tuyệt đối không nên massage cho trẻ
26/01/2024 - 10:30:39