Nhiều ca bệnh sốt xuất huyết nặng, tử vong: Chuyên gia y tế khuyến cáo sai lầm cần tránh
Bệnh sốt xuất huyết hiện chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Đáng lo ngại nhiều người ngại đến bệnh viện đã tự mua thuốc chữa trị tại nhà dẫn đến biến chứng nặng, thậm chí tử vong.
Bệnh nhân sốt xuất huyết đang điều trị tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: TL
Theo thông tin từ BV Nhi T.Ư, nếu như đầu năm nay, tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới của BV chỉ điều trị một vài bệnh nhi mắc SXH thì trong 2 tháng nay, Trung tâm đã tiếp nhận khoảng 60 ca (đa số bệnh nhi sinh sống ở Hà Nội).
Bác sĩ Nguyễn Văn Lâm - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, BV Nhi T.Ư cho biết, bệnh nhi mắc SXH có độ tuổi từ sơ sinh đến 10 tuổi. Đáng chú ý, khi trẻ mắc SXH, việc các gia đình tự mua thuốc điều trị cho trẻ vô cùng nguy hiểm.
Có những trẻ do tự ý sử dụng thuốc hạ sốt chống chỉ định trong các trường hợp mắc SXH nên khi nhập viện, bệnh tiến triển nặng. May mắn là hiện chưa có trường hợp nào trẻ nguy kịch hay tử vong.
Trong khi đó, các BV nhi ở TP Hồ Chí Minh ghi nhận nhiều trẻ mắc SXH nhưng nhập viện muộn dẫn đến biến chứng sốc, suy hô hấp.
Đơn cử, tại BV Nhi đồng 1, TP Hồ Chí Minh hiện đang điều trị nội trú và ngoại trú cho 50 trường hợp mắc SXH, trong đó có 5 trẻ có hội chứng sốc nặng, phải điều trị hồi sức tích cực và 20 - 30 trẻ được truyền dịch, theo dõi biến chứng của SXH.
Còn tại BV Nhi đồng TP Hồ Chí Minh đang điều trị khoảng 15 - 20 bệnh nhi mắc SXH, trong đó có 3 ca bệnh nặng và rất nặng, hiện đã qua cơn nguy kịch, sức khỏe ổn định.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh, mấy tuần trở lại nay, tại TP Hồ Chí Minh, mỗi tuần có 500 - 600 ca SXH.
Trong 8 tháng năm 2020, TP đã có 11.999 trường hợp mắc SXH, gồm 6.589 bệnh nhân điều trị nội trú và 5.410 bệnh nhân điều trị ngoại trú. Riêng trong tháng 8, ghi nhận 1 bệnh nhân nữ tử vong vì SXH.
Bác sĩ CKII Đỗ Thị Hằng, Quyền Trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bưu điện cho biết, mỗi ngày có khoảng 8 - 10 ca mắc sốt xuất huyết đến khám tại bệnh viện.
Số lượng bệnh nhân đến khám tăng hơn so với thời điểm đầu năm, trong đó có một số bệnh nhân đến khám muộn trong tình trạng nặng, tiểu cầu hạ đến mức báo động.
Mặc dù cơ quan y tế liên tục cảnh báo, nhưng vẫn còn đó một thực tế đáng lo ngại khác: Do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhiều người dân đã không dám tới bệnh viện để khám và điều trị. Trong khi việc tự điều trị tại nhà, có thể dẫn tới hậu quả đáng tiếc.
Bác sĩ CKII Đỗ Thị Hằng cho biết thêm, sai lầm mà bệnh nhân sốt xuất huyết thường gặp phải là có sốt nhưng ngại dịch COVID-19 nên bệnh nhân tự điều trị tại nhà và tự truyền dịch dẫn đến bệnh nhân bị sốc. Trên thực tế, tại Hà Nội, thời gian gần đây đã có ca tử vong vì điều trị tại nhà.
Tháng 8, tháng 9 đang là mùa cao điểm của sốt xuất huyết. Bệnh càng nguy hiểm hơn với những người đang ở trong giai đoạn nhạy cảm về sức khỏe hay có sẵn các bệnh nền.
Các chuyên gia một lần nữa khuyến cáo người dân tuyệt đối không chủ quan và cần cảnh giác với cả những vết muỗi đốt tưởng chừng là chuyện nhỏ thường ngày.
Bác sĩ CKII Đỗ Thị Hằng nhấn mạnh, các trường hợp mắc sốt xuất huyết cần lưu ý nhất là bệnh nhân có thai, suy tim, suy thận, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính... Những trường hợp này cần phải điều trị sớm để tránh biến chứng đáng tiếc xảy ra.
Link nguồn:
Theo congluan.vn
Tin nổi bật
- Làm thế nào để đối phó với lo âu và trầm cảm
20/06/2024 - 10:47:23
- 5 cách phòng viêm quanh răng tránh nguy cơ rụng răng
12/03/2024 - 16:52:56
- Cách ngăn ngừa tình trạng thiếu vitamin D ở trẻ em
01/03/2024 - 11:22:11
- Bất ngờ với nguyên nhân gây viêm lợi nhiều người chưa biết
27/02/2024 - 11:38:18
- Tay chân bị lạnh vào mùa đông, nguyên nhân và cách khắc phục
26/02/2024 - 10:09:05
- Thời điểm tuyệt đối không nên massage cho trẻ
26/01/2024 - 10:30:39