Nguyên nhân và cách điều trị hai loại ho thường gặp
Ho có đờm và ho khan rất phổ biến, thường do cảm lạnh nhưng có thể liên quan đến bệnh mạn tính, nhiễm trùng.
Ho có đờm và ho khan thường do những nguyên nhân khác nhau và cần những cách điều trị cũng khác nhau.
Ho có đờm
Ho có đờm (ho ướt) tiết ra chất nhầy hoặc chất lỏng từ đường hô hấp. Ho có đờm thường do tác nhân kích thích đường hô hấp, ví dụ nhiễm trùng hoặc bệnh lý. Covid-19 thường gây ra ho khan hơn nhưng đôi khi bệnh có thể gây ho có đờm, nhất là người bị viêm phổi.
Các nguyên nhân có thể gây ho có đờm gồm viêm phổi, viêm phế quản cấp tính, giãn phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh xơ nang, tổn thương viêm nghiêm trọng ở thực quản. Ho có đờm kéo dài hơn một tuần và kèm theo sốt, đờm màu vàng xanh và khó thở có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng phổi.
Bác sĩ thường sẽ làm các xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân như chụp X-quang ngực, phân tích đờm, xét nghiệm máu, xét nghiệm chức năng phổi. Cách điều trị ho phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra bệnh. Nếu ho có đờm do cảm lạnh, bạn có thể dùng thuốc không kê đơn như thuốc long đờm. Thuốc này làm lỏng và loãng chất nhầy để dễ ho ra hơn.
Người bị ho có đờm không tự ý dùng thuốc giảm ho (trừ khi bác sĩ chỉ định). Theo nghiên cứu của Đại học Rostock (Đức), thuốc giảm ho có thể làm cho tình trạng ho trở nên tồi tệ hơn vì làm giảm bài tiết chất nhầy. Trong một số trường hợp, sử dụng thuốc giảm ho để điều trị có thể biến khiến bệnh thông thường như cảm lạnh thành bệnh nghiêm trọng hơn, chẳng hạn viêm phổi.
Đối với ho có đờm mạn tính, nhiễm trùng có thể cần điều trị bằng kháng sinh. Trong trường hợp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và xơ nang, người bệnh có thể cần được chăm sóc, điều trị bằng liệu pháp oxy, thuốc hít hoặc uống và phục hồi chức năng phổi.
Ho có đờm và ho khan do cảm lạnh có thể tự điều trị tại nhà. Ảnh: Freepik
Ho khan
Ho khan (ho khô) không tạo ra chất lỏng, thường do kích thích ở cổ họng, như có cảm giác nhột hoặc rất khó chịu. Cảm lạnh là nguyên nhân phổ biến gây ho khan, nhưng cũng có thể do sưng đường thở liên quan các bệnh như hen suyễn hoặc viêm phế quản. Ho khan còn có thể do dị ứng, cúm, Covid-19, nhiễm trùng đường ho hấp trên, bệnh trào ngược dạ dày thực quản, mắc chứng ngưng thở khi ngủ, rối loạn chức năng dây thanh âm.
Nếu ho khan không kéo dài hơn một tuần có thể là dấu hiệu của các tình trạng nghiêm trọng hơn như suy tim, xẹp phổi hoặc ung thư phổi. Người dùng thuốc điều trị huyết áp cao có thể bị ho khan do tác dụng phụ của thuốc.
Nếu cảm lạnh gây ho khan, bạn có thể dùng thuốc giảm ho có dextromethorphan để giảm các triệu chứng. Các phương pháp điều trị ho khan khác như dùng thuốc giãn phế quản dạng xịt với bệnh hen suyễn, thuốc kháng axit và thuốc ức chế bơm proton với bệnh trào ngược dạ dày thực quản, thuốc kháng histamin nếu ho khan do dị ứng. Người mắc chứng ngưng thở khi ngủ có thể dùng máy thở áp lực đường thở liên tục để giảm ho. Bạn cũng có thể hít hơi nước hoặc sử dụng máy làm ẩm không khí trong phòng. Người bệnh nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng các loại thuốc để đảm bảo an toàn và tránh tác dụng phụ.
Ho do cảm lạnh thông thường thường kéo dài một đến hai tuần và có thể điều trị tại nhà. Tuy nhiên, bạn nên đi khám hoặc nhập viện điều trị nếu các cơn ho nghiêm trọng và kéo dài hơn ba tuần; ho ra đờm có màu vàng xanh, hồng hoặc đỏ; kèm theo sốt trên 38 độ; khó thở hoặc tim đập nhanh; từng tiếp xúc với người mắc Covid-19; có tiền sử viêm phổi.
Tin nổi bật
- Làm thế nào để đối phó với lo âu và trầm cảm
20/06/2024 - 10:47:23
- 5 cách phòng viêm quanh răng tránh nguy cơ rụng răng
12/03/2024 - 16:52:56
- Cách ngăn ngừa tình trạng thiếu vitamin D ở trẻ em
01/03/2024 - 11:22:11
- Bất ngờ với nguyên nhân gây viêm lợi nhiều người chưa biết
27/02/2024 - 11:38:18
- Tay chân bị lạnh vào mùa đông, nguyên nhân và cách khắc phục
26/02/2024 - 10:09:05
- Thời điểm tuyệt đối không nên massage cho trẻ
26/01/2024 - 10:30:39