Giúp người cao tuổi phòng bệnh hô hấp mùa nóng
Nắng nóng kéo dài, nhất là những ngày gần đây, thời tiết ngoài trời ở miền Bắc nước ta có ngày lên trên 40 độ, nhiều bệnh có xu hướng gia tăng, trong đó có bệnh đường hô hấp, đặc biệt hay gặp ở người cao tuổi. Vậy, mùa hè người cao tuổi (NCT) nên làm gì để phòng bệnh đường hô hấp?
Tại sao mùa nắng nóng NCT dễ mắc bệnh đường hô hấp?
Nói chung, NCT do mọi chức năng của cơ thể bị suy giảm, trong đó sức đề kháng suy giảm càng rõ rệt. Mùa hè, thời tiết oi bức, nhiệt độ tăng cao, khả năng tự điều chỉnh thân nhiệt của NCT giảm sút, lượng nước và chất điện giải bị mất khá nhiều do ra mồ hôi, mặt khác, lượng nước được bù vào lại không đủ hoặc quá thiếu bởi NCT ngại hoặc lười uống nước, ăn ít canh, rau, do đó sẽ làm cho NCT rất dễ mắc các bệnh, đặc biệt là bệnh đường hô hấp.
NCT nên thường xuyên tập luyện để có sức khỏe tốt. Ảnh: TM
Bên cạnh đó còn có nhiều nguyên nhân khách quan làm cho NCT dễ mắc bệnh đường hô hấp vào mùa nắng nóng, đó là, nếu NCT nghiện thuốc lá, thuốc lào. Bởi vì, khi NCT đã bị giảm sức đề kháng, kèm theo mất nước, chất điện giải do ra nhiều mồ hôi, nếu hít phải khói thuốc vào đường hô hấp (bản thân hút thuốc hoặc khói thuốc do người khác thải ra) sẽ làm tổn thương các nhu mô phổi do đó sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn cơ hội, đặc biệt ở đường hô hấp trên luôn thường trực các vi sinh vật sống ký sinh ở đó như S. pneumoniae, H. influenzae, S. aureus... Khi gặp điều kiện thuận lợi (nóng, lạnh, sức đề kháng của cơ thể con người giảm), chúng trở thành tác nhân gây bệnh. Mặt khác, mùa nắng nóng, nếu môi trường bị ô nhiễm, nhiều bụi, khói (bếp than, bếp củi, bếp dầu, khí thải công nghiệp...), nhà ở chật chội, không thông thoáng... là những yếu tố thuận lợi làm cho NCT dễ mắc các bệnh đường hô hấp.
Ngoài ra, NCT bị viêm đường hô hấp, nhất là viêm phổi vào mùa nắng nóng do một số có những bệnh mạn tính như tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh Parkinson, bệnh Alzheimer, bệnh tim hoặc sức yếu, bị tai biến mạch máu não không đi lại được nằm bất động cũng là những lý do làm tăng nguy cơ viêm đường hô hấp ở NCT khi nắng nóng, nhất là có nguy cơ cao mắc bệnh viêm phổi. Ngoài ra, các vấn đề về phổi khác như khí phế thũng, hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), giãn phế quản cũng góp phần đáng kể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm phổi.
Vào mùa nắng nóng kéo dài như dịp này, nếu NCT đã trải qua phẫu thuật thường có xu hướng dễ bị tổn thương đường hô hấp hơn vì cơ thể của họ cần phải hoạt động rất nhiều để hồi phục. Thông thường, trong cuộc phẫu thuật, bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc giảm đau trong suốt các quy trình phẫu thuật, tuy nhiên các loại thuốc dạng này có thể làm cho người bệnh thở nông hơn - góp phần gây tích tụ chất tiết trong phổi nhiều hơn sẽ rất dễ gây viêm phổi. Ngoài ra, các loại thuốc an thần và gây tê cũng gây ra tác dụng phụ tương tự như vậy.
NCT nên làm gì để phòng viêm đường hô hấp mùa nắng nóng?
Để phòng bệnh mùa hè, có mấy điều NCT nên lưu ý, đó là không ra ngoài khi nắng gắt, nếu công việc buộc phải ra khỏi nhà, cần đội mũ hoặc nón rộng vành, mặc ít quần, áo, tốt nhất là loại vải cotton, có kính râm càng tốt. Khi ở ngoài nắng về nhà không nên uống nước lạnh quá hoặc nước đá, khi uống nên uống ít một; không nên dùng thực phẩm lạnh quá (chè đá, uống nước có đá hoặc dùng hoa quả lấy ra từ tủ lạnh...) hoặc không nên uống bia lạnh nhất là người có bệnh tim mạch, tăng huyết áp, hen suyễn, tiểu đường. NCT lưu ý khi đi ngoài trời nắng về không vào phòng máy lạnh ngay, không cho quạt gió để ở tốc độ mạnh xoáy vào mình và không được tắm ngay khi còn mồ hôi, nếu tắm, nên tắm nước ấm.
Mùa nắng nóng, NCT không nên tắm biển, sông, suối, ao, hồ lúc trời còn nắng gắt, nhất là gần trưa, buổi trưa, xế chiều. Một số NCT còn có sức khỏe tốt, có thể làm nhiều việc nhưng phải cần lưu ý là khi làm việc trong điều kiện nắng, nóng không nên làm việc quá sức và cần uống thêm nước có pha một ít muối ăn là rất tốt, nếu có điều kiện uống thêm nước vắt trái cây hoặc ăn trái cây có nhiều nước (cam, dưa hấu, lê...).
NCT luôn được khuyên là vận động cơ thể thường xuyên nhưng nên lưu ý là không tập thể dục, chơi thể thao khi trời nắng. Nếu đi bộ, không nên đi vào lúc trời nắng và nên chọn nơi đi bộ thuận lợi như đường phố vắng người (các ngõ rộng, ít xe qua lại). Hàng ngày nên uống đủ lượng nước cần thiết (uống làm nhiều lần, không uống một lúc), nên ăn thêm rau, canh (vì trong rau, canh có một lượng nước đáng kể) và trái cây hoặc nước ép trái cây.
PGS.TS. Bùi Khắc Hậu
Link nguồn:
https://suckhoedoisong.vn/giup-nguoi-cao-tuoi-phong-benh-ho-hap-mua-nong-n175558.html
Theo báo điện tử Sức khỏe cộng đồng.
Tin nổi bật
- Làm thế nào để đối phó với lo âu và trầm cảm
20/06/2024 - 10:47:23
- 5 cách phòng viêm quanh răng tránh nguy cơ rụng răng
12/03/2024 - 16:52:56
- Cách ngăn ngừa tình trạng thiếu vitamin D ở trẻ em
01/03/2024 - 11:22:11
- Bất ngờ với nguyên nhân gây viêm lợi nhiều người chưa biết
27/02/2024 - 11:38:18
- Tay chân bị lạnh vào mùa đông, nguyên nhân và cách khắc phục
26/02/2024 - 10:09:05
- Thời điểm tuyệt đối không nên massage cho trẻ
26/01/2024 - 10:30:39