Đối phó với những cơn đau đầu "tuổi hoàng hôn"
Vào giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh, chính thức chấm dứt khả năng thụ thai, sinh nở, phụ nữ có thể gặp nhiều triệu chứng khó chịu , chẳng hạn như chứng đau đầu.
Sự kết thúc chính thức của thời kỳ dễ thụ thai trong cuộc đời người phụ nữ được đánh dấu bằng một quá trình gọi là tiền mãn kinh. Quá trình này diễn ra hoàn toàn tự nhiên và thường xảy ra ở độ tuổi từ 45 đến 55. Ngoại lệ cũng có những trường hợp phụ nữ trải qua thời kỳ tiền mãn kinh sớm hơn hoặc muộn hơn.
Tiền mãn kinh là quá trình trước và dẫn đến mãn kinh. Khoảng thời gian này khác nhau ở mỗi người. Nó có thể kéo dài hàng tháng hoặc hàng năm, tùy thuộc vào từng người. Các triệu chứng khác nhau đi kèm với tiền mãn kinh, bao gồm bốc hỏa, thay đổi tâm trạng, đổ mồ hôi ban đêm, khô âm đạo, rụng tóc và tăng cân không rõ nguyên nhân. Vậy còn những cơn đau đầu, chúng có liên quan đến mãn kinh không?
Vâng, mãn kinh và đau đầu có liên quan với nhau. Có những phụ nữ không hề bị đau đầu cho đến khi bước vào thời kỳ tiền mãn kinh và đây có thể là một trải nghiệm khá mệt mỏi đối với họ. Tuy nhiên, đau đầu trong thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh thường hay gặp hơn ở những phụ nữ có lịch sử bị đau đầu, đặc biệt là trong thời kỳ kinh nguyệt và / hoặc ở những phụ nữ có dùng thuốc tránh thai, hay các hình thức tránh thai nội tiết tố.
Nguyên nhân đau đầu tuổi mãn kinh?
Vẫn chưa rõ lý do chính xác tại sao phụ nữ bước vào giai đoạn tiền mãn kinh-mãn kinh và đau đầu lại có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Nhưng những thay đổi nội tiết tố, như mức estrogen và progesterone, xảy ra trong thời kỳ mãn kinh thường được coi là nguyên nhân chính. Estrogen làm giãn nở các mạch máu, trong khi progesterone làm ngược lại (co hẹp mạch). Khi lượng hormone này thay đổi, các mạch máu giãn nở và co lại, và những thay đổi về áp suất lòng mạch này có thể gây ra đau đầu.
Trong thời kỳ tiền mãn kinh, những phụ nữ đã từng bị đau đầu liên quan đến hormone, có thể kích hoạt chứng đau nửa đầu, cơn đau xảy ra thường xuyên hơn và trở nên nghiêm trọng hơn do lượng hormone dao động.
Ngược lại, chứng đau nửa đầu có thể giảm đi khi kết thúc kinh nguyệt do lượng hormone ổn định và ở mức thấp. Các nghiên cứu cho thấy rằng đối với khoảng 2/3 phụ nữ, mãn kinh thực sự giúp giảm đau nửa đầu, làm cho các cơn đau bớt trầm trọng hơn và giảm các triệu chứng liên quan tới đau nửa đầu phổ biến như buồn nôn và nôn.
Tuy nhiên, đau đầu do căng thẳng lại có xu hướng trở nên trầm trọng hơn. Nếu chứng đau đầu vẫn tiếp diễn sau thời kỳ mãn kinh, bác sĩ có thể khuyên bạn dùng một số loại thuốc và / hoặc sử dụng các liệu pháp giảm đau khác.
Liệu pháp thay thế hormone có tác động gì?
Liệu pháp thay thế hormone có thể được sử dụng để điều trị cả những triệu chứng tiền mãn kinh và mãn kinh. Tác động của liệu pháp này rất khác nhau ở từng cá nhân.
Điều này có thể làm trầm trọng thêm chứng đau đầu đối với một số phụ nữ, hoặc cải thiện tình trạng đau đầu cho những người khác hoặc không gây ra thay đổi nào về cường độ đau đầu. Với liệu pháp thay thế hormone, bác sĩ có thể khuyến nghị dùng miếng dán da estrogen làm nguồn cung cấp estrogen chậm và ổn định. Loại này ít gây tác dụng phụ đau đầu hơn cả.
Nếu xác định đau đầu thời kỳ mãn kinh có liên quan liệu pháp thay thế hormone, có thể thảo luận với bác sĩ để giảm liều estrogen, chuyển sang dạng estrogen khác hoặc ngừng điều trị hoàn toàn.
Một số cách giảm đau đầu thời kỳ mãn kinh
1. Lưu ý đến chế độ ăn uống
Thực phẩm và đồ uống bạn tiêu thụ có thể ảnh hưởng rất nhiều đến cơn đau đầu của bạn. Lưu ý rằng những thực phẩm và đồ uống này ảnh hưởng đến phụ nữ theo những cách khác nhau, vì vậy hãy đảm bảo chọn chế độ ăn uống phù hợp nhất với bạn.
Bất cứ khi nào bạn bị đau đầu, hãy tập ghi lại những gì bạn đã ăn trước đó. Điều này có thể giúp bạn tìm ra thủ phạm ăn uống gây đau đầu. Các tác nhân gây đau đầu thường gặp là: rượu, caffein, pho mát lâu năm, các sản phẩm từ sữa và sữa.
Nên tránh những thức ăn, đồ uống có thể làm nặng hơn cơn đau đầu như cà phê
2. Tập thể dục
Tập thể dục thường xuyên có thể giúp ngăn ngừa đau đầu. Ba mươi phút tập thể dục 3-4 lần mỗi tuần là thời gian tối ưu. Để rèn cho cơ thể dần quen với việc tăng cường vận động, bạn chớ nên nóng vội, cứ kiên trì tiến dần đến các mục tiêu tập luyện của mình.
3. Châm cứu
Châm cứu là một phương pháp điều trị y học cổ truyền đã được chứng minh là có những tác dụng, hiệu quả rất bất ngờ với trị đau nói chung và đau đầu nói riêng. Day bấm huyệt đạo cũng có tác dụng tốt giảm và ngăn ngừa những cơn đau đầu, nhất là đau đầu do căng thẳng.
4. Liệu pháp hành vi
Liệu pháp thư giãn và phản hồi sinh học giúp kiểm soát cách cơ thể phản ứng với căng cơ, đau và căng thẳng thường được sử dụng để giảm đau đầu. Liệu pháp nhận thức hành vi cũng dạy các kỹ thuật giảm căng thẳng và cách đối phó với cơn đau và các tác nhân gây căng thẳng.
5. Bổ sung vitamin
Một số loại vitamin và chất bổ sung đã cho thấy thành công trong việc giảm bớt mối liên hệ giữa thời kỳ mãn kinh và đau đầu. Chúng bao gồm: vitamin B2, magiê, butterbur, Coenzyme Q10 và vitamin D.
Tin nổi bật
- Làm thế nào để đối phó với lo âu và trầm cảm
20/06/2024 - 10:47:23
- 5 cách phòng viêm quanh răng tránh nguy cơ rụng răng
12/03/2024 - 16:52:56
- Cách ngăn ngừa tình trạng thiếu vitamin D ở trẻ em
01/03/2024 - 11:22:11
- Bất ngờ với nguyên nhân gây viêm lợi nhiều người chưa biết
27/02/2024 - 11:38:18
- Tay chân bị lạnh vào mùa đông, nguyên nhân và cách khắc phục
26/02/2024 - 10:09:05
- Thời điểm tuyệt đối không nên massage cho trẻ
26/01/2024 - 10:30:39