Cha mẹ cần lưu ý gì khi dùng thuốc trị bệnh tay chân miệng?
Bên cạnh sự bùng phát trở lại của dịch bệnh COVID-19, thì tình hình bệnh tay - chân - miệng cũng ở mức báo động, đặc biệt đề phòng đỉnh dịch có thể xuất hiện vào tháng 9 - 10 tới. Khi trẻ bị bệnh cha mẹ cần lưu ý gì trong việc dùng thuốc trị bệnh tay chân miệng?
Không chủ quan với bệnh tay chân miệng
Bệnh tay - chân - miệng là một bệnh lý nhiễm trùng do virus đường ruột Coxackievirus (nhóm A16) và Enterovirus týp 71 (EV71) gây nên. Đối với virus EV71 có thể gây biến chứng nặng, thậm chí nguy hiểm cho tính mạng người bệnh.
Đây là bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 3 tuổi, hiếm gặp hơn ở nhóm trẻ dưới 6 tháng và trên 5 tuổi. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng tập trung nhiều vào tháng 2 - 4 và tháng 9 - 12.
Bệnh tay chân miệng lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp và đường tiêu hóa. Virus gây bệnh tồn tại trong nước bọt, dịch hắt hơi, sổ mũi, phân, dịch vỡ bóng nước trên da, niêm mạc...
Khi mắc bệnh virus sẽ làm cơ thể tăng bài tiết các dịch tiết. Trẻ hắt hơi, chảy mũi, ngậm mút đồ chơi chung với nhau là con đường lây truyền thuận lợi. Khi bị phát tán ra ngoài, virus vẫn có thể tồn tại khá lâu trong môi trường nhiệt độ phòng, bám lên đồ dùng, đồ chơi, sàn nhà, dụng cụ ăn, uống, khăn, quần áo... Nếu một trẻ khỏe mạnh tiếp xúc chung trong môi trường này thì rất dễ bị lây nhiễm virus.
Trẻ bị bệnh tay chân miệng sẽ xuất hiện triệu chứng sau từ 3 – 5 ngày nhiễm virus. Các triệu chứng thường bắt đầu theo thứ tự sốt nhẹ, đau họng, phát ban, nổi mẩn đỏ trên bàn tay, bàn chân, các vùng trong khoang miệng (nướu – lợi – lưỡi) hoặc vùng da trên mặt ở gần môi. Mông hoặc bộ phận sinh dục cũng có thể bị phát ban mặc dù ít gặp hơn. Các ban dần chuyển thành các bọng nước hoặc nốt loét khiến trẻ đau đớn khó chịu nhưng không gây ngứa. Sau khi các triệu chứng xuất hiện, bệnh tiếp tục phát triển trong khoảng từ 7 – 10 ngày rồi tự khỏi (nếu không biến chứng) mà không cần dùng thuốc để điều trị.
Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, viêm phổi… Nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời thì nguy cơ tử vong sẽ rất cao và nhanh chóng xảy ra, nhất là trong bệnh cảnh trụy mạch và phù phổi cấp. Vì vậy, để đề phòng các biến chứng nguy hiểm này, cha mẹ và gia đình cần theo dõi sát trẻ, phát hiện sớm các biểu hiện diễn biến xấu như sốt cao, thở bất thường, kích thích hoặc li bì, bỏ bú, nôn trớ, co giật… và kịp thời đưa trẻ tới các cơ sở y tế để được điều trị.
Dùng thuốc trị bệnh tay chân miệng như thế nào?
Hiện nay chưa có thuốc điều trị bệnh đặc hiệu, cũng như chưa có vắc-xin phòng bệnh, chủ yếu là điều trị triệu chứng. Khi trẻ sốt trên 38oC, để hạ sốt, giảm đau có thể dùng paracetamol đơn chất, liều lượng 5- 10mg/kg (nếu sốt không giảm, cần cho trẻ đi khám bệnh). Tuyệt đối không dùng các loại thuốc có chứa aspirin, bởi vì, có thể gây nên hội chứng Reye – một căn bệnh chủ yếu gây thiệt hại cấp tính não (encephalopathy) và thoái hóa mỡ gan (gan nhiễm mỡ) đe dọa tính mạng.
Không dùng aspirin để hạ sốt khi trẻ mắc bệnh tay chân miệng.
Song song với việc dùng thuốc hạ nhiệt cha mẹ nên chườm mát cho trẻ (dùng khăn hoặc vải sạch nhúng vào chậu đựng nước sạch có nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ của trẻ 2oC, vắt bớt nước) chườm vào vùng nách, trán, bẹn.
Nếu trẻ bị ngứa nhiều cần cho trẻ đi khám để được chỉ định dùng thuốc kháng histamin dạng uống hoặc kem bôi (người nhà không tự động mua thuốc chống dị ứng dùng cho trẻ).
Cần bổ sung nước và chất điện giải cho trẻ, tốt nhất là uống dung dịch oresol (ORS). Phải pha ORS đúng hướng dẫn của nhà sản xuất, bởi vì, nếu pha nhiều nước, dung dịch quá loãng, hàm lượng chất điện giải sẽ không đủ, có thể gây nguy hiểm cho trẻ; ngược lại nếu pha đặc quá, trẻ sẽ bị ngộ độc muối, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng do lượng muối trong máu quá cao sẽ rút nước từ các tế bào ra, khiến cơ thể trẻ bị mất nước và rối loạn điện giải nghiêm trọng hơn. Nếu không có ORS có thể pha dịch thay thế, gồm 8 thìa nhỏ (thìa cà phê) đường, 1 thìa nhỏ muối pha trong 1 lít nước; hoặc cho trẻ uống nước cháo cho một chút muối; nước dừa non có pha một nhúm muối.
Khi trẻ có sốt và loét miệng cần bổ sung thêm vitamin C và kẽm, có thể dùng dung dịch glycerin borat lau sạch miệng trước và sau ăn. Ngoài ra, dùng gel rơ miệng (kamistad, zyttee) với mục đích sát khuẩn và giảm đau giúp trẻ ăn uống dễ dàng hơn.
Ngoài việc dùng thuốc sát khuẩn, cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần rửa tay với xà phòng trước khi nấu ăn, cho trẻ ăn, sau khi tiếp xúc với trẻ và sau khi đi vệ sinh. Lau nhà và ngâm đồ chơi, quần áo của trẻ bằng dung dịch cloramin B 2% hoặc các dung dịch khử khuẩn khác. Tiệt trùng và luộc sôi các vật dụng ăn uống hàng ngày của trẻ như bình sữa, bát, thìa…
BS. Bùi Mai Hương
Link nguồn:
https://suckhoedoisong.vn/cha-me-can-luu-y-gi-trong-dung-thuoc-tri-benh-tay-chan-mieng-n178519.html
Theo suckhoedoisong.vn
Tin nổi bật
- Làm thế nào để đối phó với lo âu và trầm cảm
20/06/2024 - 10:47:23
- 5 cách phòng viêm quanh răng tránh nguy cơ rụng răng
12/03/2024 - 16:52:56
- Cách ngăn ngừa tình trạng thiếu vitamin D ở trẻ em
01/03/2024 - 11:22:11
- Bất ngờ với nguyên nhân gây viêm lợi nhiều người chưa biết
27/02/2024 - 11:38:18
- Tay chân bị lạnh vào mùa đông, nguyên nhân và cách khắc phục
26/02/2024 - 10:09:05
- Thời điểm tuyệt đối không nên massage cho trẻ
26/01/2024 - 10:30:39