Cảnh giác ngộ độc rượu, bia ngày Tết
Trong những ngày Tết cổ truyền, uống rượu, bia thế nào cho an toàn, không ảnh hưởng đến sức khỏe? Phóng viên Báo Cần Thơ đã trao đổi với bác sĩ chuyên khoa II Bồ Kim Phương, Trưởng Khoa Nội tiêu hóa - Huyết học lâm sàng, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ về vấn đề này.
Bác sĩ Bồ Kim Phương cho biết: Rượu, bia nếu uống ở mức độ vừa phải, ảnh hưởng đến sức khỏe ít vẫn sẽ có hưng phấn nhẹ. Khi uống vượt ngưỡng cho phép, rượu, bia ảnh hưởng đến thần kinh, gây ức chế thần kinh, gây nên tình trạng buồn ngủ, chóng mặt ảnh hưởng cả thị giác (gây mờ mắt). Do đó rất nguy hiểm khi điều khiển xe lưu thông trên đường. Về đường tiêu hóa, rượu gây tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa, viêm loét dạ dày. Nếu bệnh nhân có viêm loét dạ dày, có thể bị xuất huyết tiêu hóa, ói ra máu, đi tiêu ra máu. Ói nhiều, nguy cơ gây rách thực quản.
Rượu (ethanol) khi vào cơ thể, gan chuyển hóa thành Acetaldehyde, rồi Acetate. Khi lượng rượu vào cơ thể quá nhiều, gan chuyển hóa không kịp, gây tổn thương trực tiếp niêm mạc ruột và phá vỡ các tế bào mast phóng thích ra histamin (chất gây dị ứng). Ngoài ra, Acetaldehyde còn ngăn không cho gan chuyển hóa và đào thải histamin có trong thức ăn khi ta ăn vào. Từ đó, làm tăng lượng histamin, tăng nguy cơ dị ứng như nổi mề đai, ngứa, rối loạn tiêu hóa nặng hơn có thể làm co thắt phế quản gây ra cơn hen cấp.
Khi uống rượu, bia quá nhiều, thường xuyên dẫn đến gan làm việc quá mức, tích tụ chất độc trong gan, làm tổn thương gan và tăng men gan, lâu ngày, gan nhiễm mỡ, viêm gan do rượu, xơ gan, ung thư gan. Nếu người đã có bệnh gan (gan nhiễm mỡ, men gan cao, viêm gan mạn…), việc uống rượu, bia tạo thêm gánh nặng cho gan, gây chuyển sang viêm gan cấp, suy gan, xơ gan, ung thư gan.
Vậy theo bác sĩ, đâu là ngưỡng an toàn của uống rượu, bia?
- Một đơn vị 10g cồn, tương đương 30ml rượu mạnh, 100ml rượu vang, 330ml bia. Ngưỡng tương đối an toàn là nam uống dưới 4 đơn vị/ngày và nữ 2 đơn vị/ngày, mỗi tuần chỉ uống 1-2 ngày. Dĩ nhiên, lượng rượu uống vào còn tùy thuộc vào tuổi, cân nặng và mức độ chuyển hóa của gan của cá nhân mỗi người. Tuy nhiên, tốt nhất nên uống càng ít càng tốt.
Ngộ độc rượu có những loại nào ?
- Trong ngày Tết, lượng rượu, bia tiêu thụ cao hơn ngày thường. Uống quá mức gây nên ngộ độc rượu. Ngộ độc rượu chia làm nhiều loại:
Ngộ độc cấp tính: Giai đoạn đầu có dấu hiệu kích thích (nói nhiều, không kiểm soát được lời nói…), rối loạn tâm thần do rượu, giai đoạn sau là giai đoạn ức chế, tri giác giảm, mất khả năng tập trung, giãn mạch ngoại vi, hạ huyết áp, tử vong.
Ngộ độc rượu mạn: tổn thương thần kinh như mất trí nhớ, rối loạn tâm thần… tổn thương gan, tổn thương ống tiêu hóa, thiếu máu…
Ngộ độc các tạp chất có trong rượu: Methanol, uống rượu có lẫn tạp chất, do cơ sở sản xuất rượu không đảm bảo tiêu chuẩn.
Trong năm 2019, riêng Khoa Nội tiêu hóa bệnh viện đã tiếp nhận 6 ca ngộ độc rượu. Trong những ngày Tết là 3 ca, chưa kể lượng bệnh do ngộ độc rượu điều trị ở các khoa khác. Khoa còn tiếp nhận nhiều bệnh nhân nhập viện do có các bệnh lý nền (dạ dày, gan…) cộng với việc uống rượu, bia nhiều gây xuất huyết tiêu hóa, rối loạn tâm thần do rượu, rách thực quản (do nôn, ói nhiều sau khi uống rượu, bia), suy gan, viêm gan cấp, rối loạn tiêu hóa, viêm gan nặng hơn… Các bệnh này thường tăng nhanh trong những ngày Tết. Đáng chú ý, trong những ngày cận Tết và trong Tết, lượng bệnh nhân nhập viện do tự tử cũng tăng. Phần lớn bệnh nhân tự tử có sử dụng rượu, bia - đây là “chất xúc tác” ảnh hưởng đến thần kinh, hành vi, dẫn đến hành động tự tử.
Việc xử trí trong trường hợp bị ngộ độc rượu như thế nào, thưa bác sĩ ?
- Khi uống rượu, bia quá nhiều, gây buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy, đau quặn bụng… cần nôn thức ăn ra, uống nhiều nước bù nước, dùng các loại men vi sinh, men tiêu hóa. Khi nôn, nên nghiêng người sang một bên để tránh hít phải thức ăn gây sặc, viêm phổi, suy hô hấp. Sau khi nôn, bệnh nhân sẽ đỡ phần nào. Nếu còn tiếp tục nôn, ói quá nhiều, mất nước nhiều, cần đưa đến bệnh viện vì mất nước, có nguy cơ mất natri, kali, gây ngưng tim, nguy hiểm đến tính mạng. Nếu người nhà nhận thấy người thân của mình có vẻ rối loạn tâm thần, không kiểm soát được hành vi, suy hô hấp cần nhanh chóng đưa đến bệnh viện.
Cần phòng ngộ độc rượu và các bệnh lý liên quan đến rượu, bia như thế nào?
- Tết, là những ngày vui xuân, sum họp với người thân, không tránh khỏi việc dùng rượu, bia. Tuy nhiên, nên uống chừng mực, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe, mất vui vì nhập viện trong Tết. Khi có bệnh lý gan, tuyệt đối không dùng rượu, bia. Với người có bệnh lý tiêu hóa (trào ngược, viêm loét dạ dày…), đường ruột nên hạn chế dùng rượu, bia.
Để phòng ngộ độc rượu và các tác hại của rượu, bia nên uống dưới mức khuyến cáo hoặc uống từ từ, kéo dài thời gian để gan có thời gian chuyển hóa. Cần thận chọn rượu, bia chất lượng, uy tín, không nên uống lúc bụng đói.
Xin cảm ơn bác sĩ !
H.Hoa (thực hiện)
Tin nổi bật
- Làm thế nào để đối phó với lo âu và trầm cảm
20/06/2024 - 10:47:23
- 5 cách phòng viêm quanh răng tránh nguy cơ rụng răng
12/03/2024 - 16:52:56
- Cách ngăn ngừa tình trạng thiếu vitamin D ở trẻ em
01/03/2024 - 11:22:11
- Bất ngờ với nguyên nhân gây viêm lợi nhiều người chưa biết
27/02/2024 - 11:38:18
- Tay chân bị lạnh vào mùa đông, nguyên nhân và cách khắc phục
26/02/2024 - 10:09:05
- Thời điểm tuyệt đối không nên massage cho trẻ
26/01/2024 - 10:30:39