Cách bù điện giải đúng cho trẻ khi bị tiêu chảy cấp
Suckhoedoisong.vn - Bù điện giải là biện pháp đầu tiên trong điều trị triệu chứng cho bệnh tiêu chảy cấp. Tuy không phải là bệnh khó điều trị, nhưng nếu không được dùng thuốc đúng cách, bệnh có thể dẫn đến biến chứng nặng.
Tiêu chảy cấp do đâu?
Tiêu chảy cấp thường gặp nhất là do nhiễm trùng, kém vệ sinh, thiếu nước sạch, ăn ở đông đúc chật chội, thiếu phương tiện y tế. Hầu hết nhiễm trùng gây tiêu chảy cấp lây truyền qua đường phân - tay - miệng, qua nước và thức ăn nhiễm bẩn.
Các biểu hiện lâm sàng chung của tiêu chảy cấp thường có nôn mửa, đau bụng, sốt, tiêu chảy nhiều. Ngoài ra còn có các biểu hiện toàn thân khác tùy theo từng nguyên nhân.
Do tiêu chảy cấp gây ra mất nước, nên điều quan trọng nhất là phải bù nước, điện giải. Tuy nhiên, cần phải biết cách để dùng điện giải đúng mới có hiệu quả bù nước.
Điện giải có tác dụng gì?
Dung dịch bù nước và điện giải tuy không phải là thuốc điều trị được nguyên nhân nhưng đây là biện pháp căn bản để bù nước và điện giải, giúp tránh được các rối loạn do mất nước và điện giải gây ra.
Chỉ pha oresol với lượng nước vừa đủ theo hướng dẫn.
Oresol được dùng trong các trường hợp tiêu chảy ở mức độ nhẹ và vừa. Mỗi gói osesol chứa 20g glucose, 3.5g natriclorit; 2.9g natricitrat và 1.5g kaliclorit), 1 gói pha với 1 lít nước sôi để nguội.
Thuốc thích hợp cho việc bù lại lượng nước và điện giải đã mất qua phân, dùng để điều trị mất nước do tiêu chảy.
Đặc biệt đối với trẻ em, khi uống oresol, sẽ giúp cơ thể trẻ bù lại được lượng kali đã mất. Bởi khi bị tiêu chảy trẻ em bị mất kali trong phân nhiều hơn so với người lớn. Thuốc còn có tác dụng khắc phục nhiễm toan chuyển hóa do mất nước. Ngay khi dấu hiệu tiêu chảy xuất hiện, nếu được bù nước và điện giải kịp thời sẽ tránh được các biểu hiện suy kiệt cơ thể.
Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả tốt nhất, khi pha oresol cần phải tuân theo đúng tỷ lệ của nhà sản xuất. Nếu pha quá loãng sẽ không cung cấp đủ lượng chất điện giải cần thiết. Còn nếu quá đặc sẽ dẫn đến tình trạng quá tải các chất điện giải, sẽ khiến áp lực thẩm thấu của oresol bị thay đổi dẫn đến tình trạng ruột không hấp thụ được nước mà còn khiến trẻ bị tiêu chảy nặng hơn.
Uống bao nhiêu điện giải là đủ?
Nên uống dung dịch oresol làm nhiều lần trong ngày, tùy theo mức độ mất nước có thể sử dụng 2 - 3 gói trong ngày. Lưu ý, nên chia nhỏ dung dịch để dễ uống, không cần phải uống nhiều quá vào một lúc. Có thể thay thế oresol bằng viên hydrit, mỗi viên pha với 200ml nước.
Đối với trẻ em, cần uống lượng điện giải như sau:
Trẻ dưới 2 tuổi uống khoảng 50ml sau mỗi lần đi ngoài.
Trẻ từ 2-6 tuổi uống khoảng 100ml/ lần sau mỗi lần đi ngoài.
Trẻ từ 6-10 tuổi, uống khoảng 150ml/lần sau mỗi lần đi ngoài.
Tuy nhiên, nếu trẻ không hợp tác, cũng không nên ép trẻ phải uống hết ngay một lần lượng nước điện giải trên. Người lớn nên khuyến khích trẻ uống ít một cho đến khi uống hết lượng nước điện giải.
Với trẻ trên 10 tuổi, cần cho trẻ uống oresol cho đến lúc hết cảm giác khát nước, uống theo nhu cầu, uống theo từng ngụm nhỏ.
Khi trẻ bị tiêu chảy, nên khuyến khích trẻ uống đủ dung dịch bù điện giải.
Nếu trong quá trình uống oresol trẻ bị nôn, chờ khoảng 10 phút sau cho trẻ tiếp tục uống nhưng nên uống chậm lại.
Với trẻ còn bú mẹ, vẫn cho bé bù bình thường, nhưng ngoài bù điện giải thì cần cho trẻ uống thêm nước lọc.
Những lưu ý khi bù điện giải chữa tiêu chảy ở trẻ em
Chỉ hòa tan các gói hay viên sủi oresol với nước đun sôi để nguội, không pha cùng các loại nước khác (nước khoáng, sữa, nước trái cây, canh…)
Không được đun sôi dung dịch oresol sau khi pha.
Sau 24 giờ, dung dịch oresol đã pha còn thừa phải bỏ đi và pha gói mới.
Trước khi uống, khuấy đều hoặc lắc kỹ dung dịch oresol, pha xong cần uống ngay, uống càng nhiều nước càng tốt.
Nếu đang uống thuốc, trẻ bị nôn thì nên dừng khoảng 10 phút rồi sau đó cho trẻ uống chậm lại.
Ngừng việc dùng thuốc oresol ngay lập tức nếu mi mắt trẻ sưng nề. Khi hết dấu hiệu này mới được dùng tiếp.
Nếu trẻ không đỡ tiêu chảy sau 3 ngày hoặc có các dấu hiệu khác xuất hiện như đi ngoài nhiều hơn, nôn nhiều, trong phân có máu hoặc ăn uống kém đi thì cần phải đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và chữa trị.
ThS.Nguyễn Hải Đăng
Tin nổi bật
- Làm thế nào để đối phó với lo âu và trầm cảm
20/06/2024 - 10:47:23
- 5 cách phòng viêm quanh răng tránh nguy cơ rụng răng
12/03/2024 - 16:52:56
- Cách ngăn ngừa tình trạng thiếu vitamin D ở trẻ em
01/03/2024 - 11:22:11
- Bất ngờ với nguyên nhân gây viêm lợi nhiều người chưa biết
27/02/2024 - 11:38:18
- Tay chân bị lạnh vào mùa đông, nguyên nhân và cách khắc phục
26/02/2024 - 10:09:05
- Thời điểm tuyệt đối không nên massage cho trẻ
26/01/2024 - 10:30:39