Biến thể Delta dễ bị tiêu diệt hơn ở người đã tiêm vaccine
Sự lây lan nhanh chóng của biến chủng Delta nguy hiểm đang có xu hướng lây lan khắp toàn cầu gây nên nhiều biến chứng kèm theo. Tuy vậy, nếu hầu hết (lý tưởng là toàn bộ) các đối tượng trong diện chỉ định được tiêm vaccine thì biến thể Delta sẽ bị tiêu diệt nhanh hơn ở người đã tiêm vaccine.
Biến thể delta là gì?
Virus Sars-Cov-2 không ngừng biến đổi, nhiều biến chủng mới xuất hiện khiến diễn biến dịch bệnh ngày càng phức tạp với số lượng người bị nhiễm mới tăng cao.
Các chuyên gia đã dự đoán nhiều biến thể có khả năng đe dọa thành quả chống dịch của thế giới, trong đó có biến chủng Delta đang gây ra làn sóng lây lan trên diện rộng tại một số tỉnh phía Nam, nhất là TP.HCM, Bình Dương.
Biến thể này là 1 trong 4 biến chủng virus Corona được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá thuộc nhóm đáng lo ngại hiện nay.
Sự lây lan nhanh chóng của biến chủng Delta đang cản trở kế hoạch dỡ bỏ hạn chế và mở cửa lại nền kinh tế của nhiều nước trên khắp thế giới.
Biến thể Delta nguy hiểm đang có xu hướng lây lan khắp toàn cầu.
Sự nguy hiểm của biến chủng Delta
Biến chủng Delta được cho là có khả năng lây lan gấp đôi so với phiên bản virus gốc (nCOV), đã xuất hiện 85 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Tại châu Á, Australia, châu Mỹ và châu Âu, các chính phủ của họ đang tái áp đặt biện pháp hạn chế đi lại và trì hoãn dỡ bỏ phong tỏa, nhằm đối phó với biến chủng Delta.
WHO đã thống nhất gọi 4 biến chủng mới này theo các ký hiệu bao gồm Alpha, Beta, Gamma và Delta.
Theo đó, biến thể Delta (còn được gọi là B.1.617.2) là tên của biến thể virus Corona chủng mới được phát hiện lần đầu tiên tại Ấn Độ.
Biến chủng này được coi là biến thể nguy hiểm nhất trong số 4 biến thể virus Corona mới được phát hiện. Hiện đã có hơn 80 quốc gia ghi nhận sự xuất hiện của biến chủng này và nó đang lây lan với tốc độ vượt ngoài dự đoán của nhiều chuyên gia dịch tễ học trên thế giới.
WHO cũng đã đánh giá biến chủng Delta là một biến thể mới, đặc biệt nguy hiểm bởi tốc độ lây lan nhanh chóng.
Không chỉ vậy, biến chủng mới này còn làm gia tăng gấp đôi nguy cơ nhập viện của bệnh nhân COVID-19 so với các biến chủng khác. Kết luận này cũng được các nhà nghiên cứu ở Đại học Strathclyde (Scotland) rút ra từ nghiên cứu mới nhất của họ.
Lợi ích của tiêm vaccine phòng COVID-19
Tiêm vaccine là biện pháp phòng COVID-19 hiệu quả.
Gần đây, biến chủng Delta của virus SARS-CoV-2 đã làm dấy lên nhiều lo ngại khi tốc độ lan rộng của chúng quá nhanh và khả năng "chọc thủng" hàng rào miễn dịch được tạo ra bởi các vaccine.
Tuy vậy, một số chuyên gia lưu ý rằng biến thể Delta sẽ bị tiêu diệt nhanh hơn ở người đã tiêm vaccine. Cụ thể, một nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học ở Singapore được đăng trên website MedRxiv giúp chúng ta hiểu rõ hơn về vấn đề này. Trong nghiên cứu này, họ thực hiện trên 2 nhóm:
Nhóm 1: Gồm 84 người đã được tiêm vaccine mRNA của Pfizer/BioNTech hoặc Moderna. Trong đó, có 71 người đã được tiêm chủng đầy đủ 2 liều (sau 14 ngày tiêm liều 2).
Nhóm 2: Gồm 130 người chưa được tiêm vaccine phòng covid-19.
Nhóm nghiên cứu đã có nhận xét rằng lượng biến chủng Delta trong những người đã được tiêm chủng vaccine giảm nhanh hơn rất nhiều so với nhóm không tiêm vaccine.
Các kháng thể kháng nCOV tạo ra trong cơ thể người đã được tiêm chủng cũng cho thấy khả năng nhận biết và trung hòa biến chủng Delta mạnh mẽ hơn và tỷ lệ người trong nhóm đã tiêm vaccine cần phải hỗ trợ y tế (thở ôxy) rất thấp so với những trường hợp chưa tiêm vaccine.
Về triệu chứng khi mắc biến chủng Delta, trong nhóm người đã được tiêm vaccine, tỷ lệ bị sốt là 40,9%, ho 38%, đau họng 25,4%, khó thở 1,4%, trong khi đó, ở nhóm người chưa tiêm vaccine, tỷ lệ người bị sốt là 73, 9%, ho 60, 8%, đau họng 33,1%, khó thở 13,1%. Điều đó, có thể nói lên rằng việc tiêm phòng vaccine đã giúp kháng thể kháng virut SARS- CoV-2 gây bệnh Covid-19 và tế bào miễn dịch (được tạo ra trong cơ thể người được chủng ngừa) nhận biết và đào thải SARS- CoV-2 trong đó có biến chủng Delta hiệu quả hơn, từ đó giúp giảm nhanh tải lượng virus và thúc đẩy nhanh thời gian hồi phục.
Ngoài ra, qua kết quả nghiên cứu, nhóm nghiên cứu còn nhận định việc triển khai nhanh chóng và rộng rãi các chương trình tiêm chủng vaccine là một chiến lược hiệu quả sẽ giúp giảm tải cho hệ thống y tế, bởi vì, người được tiêm vaccine phòng nCOV đầy đủ nếu không may mắc Covid-19 sẽ có thời gian điều trị ngắn hơn rất nhiều. Vì vậy, tiêm đầy đủ vaccine vẫn là "chìa khóa", là "lá chắn" để chúng ta thoát ra khỏi đại dịch COVID-19.
Tin nổi bật
- Làm thế nào để đối phó với lo âu và trầm cảm
20/06/2024 - 10:47:23
- 5 cách phòng viêm quanh răng tránh nguy cơ rụng răng
12/03/2024 - 16:52:56
- Cách ngăn ngừa tình trạng thiếu vitamin D ở trẻ em
01/03/2024 - 11:22:11
- Bất ngờ với nguyên nhân gây viêm lợi nhiều người chưa biết
27/02/2024 - 11:38:18
- Tay chân bị lạnh vào mùa đông, nguyên nhân và cách khắc phục
26/02/2024 - 10:09:05
- Thời điểm tuyệt đối không nên massage cho trẻ
26/01/2024 - 10:30:39