Bảo vệ trẻ em khi dịch sốt xuất huyết vào mùaBảo vệ trẻ em khi dịch sốt xuất huyết vào mùa
Bệnh sốt xuất huyết xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến là trẻ em.
Tại Đồng Nai, đến ngày 4/5 số ca mắc sốt xuất huyết toàn tỉnh là 1.376 ca, trong đó số ca trẻ em dưới 15 tuổi là 812 ca, chiếm tỷ lệ 59,01%.
Nguyên nhân mắc sốt xuất huyết ở trẻ em
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do virus Dengue gây ra. Bệnh sốt xuất huyết lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt.
Tại Đồng Nai, hiện nay thời tiết đang bắt đầu chuyển sang mùa mưa, khí hậu ẩm ướt, độ ẩm cao tạo điều kiện cho muỗi sinh sản, phát triển, làm tăng nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em.
Bên cạnh đó, thời gian này các em học sinh được nghỉ hè, có nhiều thời gian tham gia các hoạt động ngoại khóa như chơi thể thao, dã ngoại,… việc vui chơi ngoài trời nhiều cũng khiến trẻ dễ bị muỗi tấn công.
Hơn nữa, ý thức phòng chống muỗi đốt ở trẻ em chưa cao và sức đề kháng của trẻ cũng yếu hơn so với người lớn nên lại càng dễ mắc bệnh hơn người lớn.
Dấu hiệu nhận biết trẻ mắc bệnh sốt xuất huyết
Bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em có triệu chứng đa dạng và phức tạp, diễn biến nhanh từ nhẹ đến nặng. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.
Giai đoạn sốt trẻ em thường là sốt cao đột ngột 39 - 40 độ C, liên tục, trẻ nhỏ thấy bứt rứt, quấy khóc, trẻ lớn hơn thì than nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt. Sau giai đoạn này, trẻ đi vào giai đoạn nguy hiểm, khoảng từ ngày thứ 3 cho đến ngày thứ 7 kể từ khi bị sốt, các triệu chứng nặng của bệnh bắt đầu được nhận thấy như xuất huyết dưới da (thường ở mặt trước hai cẳng chân, mặt trong của cánh tay, bụng, đùi), chảy máu cam, chảy máu chân răng, tiểu ra máu.
Tuy nhiên, xuất huyết không phải là dấu hiệu bắt buộc của bệnh, bởi có trẻ tuy mang bệnh nhưng lại hoàn toàn không có triệu chứng xuất huyết. Nên dù có hoặc không triệu chứng xuất huyết thì bệnh vẫn có thể dẫn tới một biến chứng vô cùng nguy hiểm đó là sốc, có thể khiến trẻ tử vong.
Đến giai đoạn phục hồi, sau giai đoạn nguy hiểm 48 - 72 giờ, trẻ hết sốt, toàn trạng tốt lên, thèm ăn, huyết áp ổn định và tiểu nhiều; xét nghiệm máu số lượng bạch cầu thường tăng lên sớm sau giai đoạn hạ sốt, số lượng tiểu cầu dần trở về bình thường. Tuy vậy, những bệnh nhân nặng, từ giai đoạn này sẽ xuất hiện biến chứng, diễn tiến khó lường.
Thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh để bảo vệ trẻ khi sốt xuất huyết vào mùa
Đến nay, sốt xuất huyết chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt.
Cần cho trẻ mặc quần áo dài tay, ngủ mùng cả ban đêm lẫn ban ngày, không để trẻ sinh hoạt nơi thiếu ánh sáng, ẩm thấp, thoa thuốc chống muỗi lên những vùng da lộ ra ngoài để bảo vệ trẻ mọi lúc, cả ban ngày lẫn ban đêm để phòng muỗi đốt.
Thường xuyên thau rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng. Thay nước ở các lọ hoa mỗi ngày, thả muối hoặc hóa chất diệt lăng quăng vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh...
Dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp, sạch thoáng, không treo quần áo làm chỗ cho muỗi trú đậu. Loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng.
Ngoài ra, bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em diễn biến nhanh, nên bậc cha mẹ cần quan tâm để phát hiện bệnh sớm. Khi trẻ sốt trên 38,5 độ C cho trẻ uống thuốc hạ sốt Paracetamol liều từ 10-15mg/kg/lần và đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Không sử dụng thuốc hạ sốt Aspirin hoặc Ibuprofen, việc sử dụng sai thuốc hạ sốt có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, như Aspirin có tác dụng ngăn tiểu cầu tập kết, khiến bệnh nhân xuất huyết nặng hơn.
Tin nổi bật
- Làm thế nào để đối phó với lo âu và trầm cảm
20/06/2024 - 10:47:23
- 5 cách phòng viêm quanh răng tránh nguy cơ rụng răng
12/03/2024 - 16:52:56
- Cách ngăn ngừa tình trạng thiếu vitamin D ở trẻ em
01/03/2024 - 11:22:11
- Bất ngờ với nguyên nhân gây viêm lợi nhiều người chưa biết
27/02/2024 - 11:38:18
- Tay chân bị lạnh vào mùa đông, nguyên nhân và cách khắc phục
26/02/2024 - 10:09:05
- Thời điểm tuyệt đối không nên massage cho trẻ
26/01/2024 - 10:30:39