Đôi khi các tình trạng mạn tính như viêm khớp, đau thần kinh tọa hoặc hẹp cột sống có thể gây đau. Bản năng đầu tiên của chúng ta thường là dùng đến acetaminophen (Tylenol), motrin (Ibuprofen) hoặc naproxen (Aleve).
Tuy nhiên, những loại thuốc này có thể gây ra những tác dụng phụ và có thể gây nguy hiểm nếu lạm dụng hoặc dùng quá liều.
Sau đây là một số loại 'thuốc' giảm đau tại nhà, mà bạn có thể tham khảo, theo Nutrition Explained.
1. Nghệ
Củ nghệ có thể được những người yêu thích món cà ri nhận ra ngay vì nó là loại gia vị mang lại cho món ăn này hương vị và màu sắc đặc trưng. Không những thế, nghệ còn chứa một hợp chất gọi là curcumin là chất chống ô xy hóa và kháng viêm mạnh mẽ.
Nghệ vừa ngăn ngừa tổn thương do gốc tự do gây ra cho các tế bào và giảm sưng khi mô bị tổn thương. Rất nhiều cơn đau do viêm gây ra, đó là lý do tại sao ibuprofen - loại thuốc có tính chất kháng viêm nhiều hơn giảm đau trực tiếp, thường được dùng để giảm đau.
2. Vỏ cây liễu
Vỏ cây liễu khá giống một loại thuốc giảm đau không kê đơn thông thường do có chứa salicin, một “họ hàng gần” của a xít acetylsalicylic, tức aspirin. Từ lâu người ta nhai vỏ cây liễu để giảm đau, hạ sốt và giảm viêm. Hiện tại, vỏ cây liễu được bán dưới dạng khô để dùng trong các loại trà hoặc như một chất bổ sung có dạng lỏng hoặc viên nang.
Do vỏ cây liễu có liên quan mật thiết đến aspirin, nó mang tác dụng phụ tương tự. Việc sử dụng kéo dài có thể gây đau dạ dày, làm tăng nguy cơ rối loạn chảy máu và làm chậm chức năng thận. Nó không được khuyến cáo cho trẻ em và không nên được trộn lẫn với các loại thuốc giảm đau khác. Vỏ cây liễu không an toàn nếu bạn dùng thuốc warfarin hoặc bất kỳ loại thuốc chống đông máu nào khác vì có liên quan đến rối loạn chảy máu, theo Nutrition Explained.
3. Muối Epsom
Đôi khi một biện pháp khắc phục bên ngoài cũng hiệu quả như một thứ bạn ăn vào. Muối Epsom (tên gọi khác là muối vô cơ magiê sulphat) là một ví dụ điển hình. Ngâm mình trong nước ấm với muối Epsom có thể giảm đau xương và khớp cũng như đau nhức cơ bắp. Phương pháp điều trị này cũng có thể là cứu cánh cho những phụ nữ bị đau nhức sau sinh và cho bất kỳ ai bị viêm khớp hoặc đau cơ xơ hóa, theo Nutrition Explained.
Hiệu quả trên có được từ việc muối Epsom phân hủy thành magiê và sulphat khi được hòa tan trong nước, sau đó xâm nhập vào các khu vực bị đau. Magiê đã được chứng minh đóng vai trò quan trọng trong cách các tín hiệu đau được gửi từ não đến cơ thể. Nó cũng giúp điều chỉnh các cơn co thắt cơ và giảm các triệu chứng trầm cảm.
4. Nước hầm xương
Nước hầm xương có thể đã không còn phổ biến trong chế độ ăn uống ngày nay, nhưng điều đó thật đáng tiếc. Nó không chỉ giúp bớt lãng phí xương thịt động vật, mà còn bổ sung collagen, proline, glycine và glutamine vào các chế độ ăn uống hiện thiếu các yếu tố quan trọng này.
Được làm từ xương, tủy và da, nước hầm xương rất thơm ngon và chứa nhiều chất dinh dưỡng có thể giúp giảm đau.
Chẳng hạn, nước hầm xương có chứa chondroitin sulfate và glucosamine - những dưỡng chất mà bạn có thể phải tốn tiền để mua dưới dạng viên bổ sung. Do hàm lượng gelatin của nó, nước hầm xương bôi trơn và giảm ma sát trong khớp. Các a xít amin glycine và proline có tác dụng giảm viêm, xây dựng cơ bắp và sửa chữa mô, theo Nutrition Explained.
5. Đinh hương
Đinh hương là một loại thảo mộc ngọt và cay có thể làm giảm đau dù ăn hay bôi tại chỗ. Bạn có thể dùng ở dạng nguyên hạt, bột hoặc dầu.
Nhiều người sử dụng đinh hương để điều trị đau đầu, viêm khớp và các dạng viêm khác, và đau răng. Chúng thậm chí có thể hiệu quả trong việc loại bỏ nhiễm nấm, dù cần tiến hành thêm nghiên cứu về chủ đề này.
Hợp chất giảm đau trong đinh hương được gọi là eugenol, và nó được tìm thấy trong rất nhiều thuốc mỡ dạng không kê đơn dùng để giảm đau.
Dầu đinh hương cũng có thể được bôi lên nướu trong trường hợp đau răng hoặc để giảm đau khớp và cơ bắp, nhưng quá nhiều dầu đinh hương có thể gây tổn thương da, vì vậy tránh sử dụng nó trong nhiều ngày. Những người uống thuốc chống đông máu nên tránh dùng đinh hương, theo Nutrition Explained.
Quyên Quân
Link nguồn:
Theo thanhnien.vn