4 tư thế ngủ có thể gây hại sức khỏe
Nằm sấp trong tư thế "đâm xe", nằm nghiêng kiểu bào thai, gối đầu lên cánh tay hay nửa nằm nửa ngồi là cách ngủ có hại cho sức khỏe.
Ngủ là hình thức nghỉ ngơi hiệu quả nhất, được coi là khoảng thời gian "vàng" giúp cơ thể phục hồi. Việc ngủ đúng tư thế vô cùng quan trọng, có lợi cho sức khỏe tổng thể, giảm nguy cơ chấn thương sớm. Ngủ sai tư thế có thể gây đau lưng, làm ảnh hưởng đến cơ xương, khớp, thậm chí gây chấn thương hoặc đau nhức dây thần kinh.
Các chuyên gia đã chỉ ra 4 tư thế ngủ có hại nhất đối với sức khỏe, như sau:
Tư thế bào thai
Khi ngủ ở tư thế bào thai, mọi người thường nằm nghiêng, cúi đầu về phía trước, cong lưng dưới (gần hông) và co đầu gối lên gần ngực. Điều này đặc biệt không tốt cho sức khỏe, ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều bộ phận trong cơ thể. Ngủ ở tư thế bào thai trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ phát triển các vấn đề về xương khớp.
Nhiều người đau đầu gối khi các dây chằng quanh gối, hông bị viêm do khớp uốn cong liên tục. Tư thế này cũng gây đau và sưng vùng thắt lưng, khiến cơ lưng bị kéo căng. Một số người bị đau cổ do viêm, các cơ bị uốn cong liên tục, siết chặt, đồng thời gây áp lực lớn hơn lên cột sống phía trên.
Đối với bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm, tư thế bào thai làm cơn đau trầm trọng hơn.
Tư thế ngủ kiểu bào thai. Ảnh: Dailyhealthpost
Nằm sấp trong tư thế "đâm xe"
Theo James Leinhardt, một chuyên gia về tư thế ngủ, việc nằm sấp với hai tay đặt cạnh gối được gọi là "tư thế đâm xe", có thể dẫn đến gai đốt sống, mỏi cổ và đau lưng. Dù một số người cho rằng đây là dáng ngủ thoải mái nhất, Leinhardt nhận định nó có thể để lại các hậu quả lâu dài.
Nằm sấp cũng tạo áp lực lên lồng ngực, ức chế hô hấp và khiến cột sống bị cong vẹo bất thường. Việc quay đầu sang một bên khi ngủ ở tư thế này cũng là nguyên nhân gây đau nhức. Tất cả yếu tố đó có thể dẫn đến viêm và đau cơ cổ.
Nếu có thói quen nằm sấp, các chuyên gia khuyến nghị đặt một chiếc gối dưới ngực hoặc bụng để tăng độ thoải mái, giảm áp lực khi hô hấp.
Nửa nằm nửa ngồi
Tư thế nửa nằm, nửa ngồi và sử dụng một chiếc gối đỡ phần lưng dưới khi đọc sách, sử dụng điện thoại hoặc xem TV khiến cổ ở tư thế cong và cúi trong thời gian dài. Làm điều này thường xuyên khiến áp lực dồn lên cột sốt, dẫn đến đau và sưng ở vai.
Gối đầu lên cánh tay
Gối đầu lên cánh tay hoặc khoanh tay quá lâu tạo áp lực lên cánh tay, nơi có dây thần kinh hướng tâm. Duy trì áp lực trong thời gian dài dẫn đến tổn thương thần kinh. Thói quen này khiến nhiều người phát sinh tình trạng xụi cổ tay (wrist drop), khiến bạn khó giơ tay.
Thời gian phục hồi khác nhau tùy theo từng người, nhưng thường không cải thiện trong khoảng ba đến 4 tuần. Trong khoảng thời gian đó, bác sĩ có thể khuyến nghị bệnh nhân thực hiện một số bài tập tăng cường sức mạnh cơ cổ tay, bàn tay và cẳng tay để ngăn ngừa teo cơ.
Tư thế nằm sấp với tay đặt cạnh gối. Ảnh: Humnutrition
Các tư thế ngủ tốt cho sức khỏe
Các chuyên gia khuyến nghị mọi người nằm ngửa khi ngủ, giúp phân tán trọng lượng cơ thể lên vùng rộng ở lưng, không gây áp lực lên bất cứ vùng nào. Vị trí này đảm bảo cột sốt duy trì một đường thẳng. Mọi người có thể gối đầu để tăng sự thoải mái, giảm độ cong ở lưng và ngăn ngừa đau lưng.
Tuy nhiên, tư thế nằm ngửa có thể không phù hợp với một số người có bệnh nền tiềm ẩn, chẳng hạn bệnh tim, phổi, đau lưng mạn tính, chứng ngưng thở khi ngủ.
Nằm nghiêng cũng có thể giảm đau lưng, nhưng bác sĩ khuyến nghị kê một chiếc gối để gác chân, phần gối ở đầu không quá thấp để tránh tình trạng đau cổ.
Khi ngủ, mọi người nên giữ phòng tối, không có ánh sáng hoặc tiếng ồn, có thể sử dụng các thiết bị âm thanh để cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Tư thế ngủ đúng tốt cho sức khỏe. Ảnh: Hellomagazine
Tin nổi bật
- Làm thế nào để đối phó với lo âu và trầm cảm
20/06/2024 - 10:47:23
- 5 cách phòng viêm quanh răng tránh nguy cơ rụng răng
12/03/2024 - 16:52:56
- Cách ngăn ngừa tình trạng thiếu vitamin D ở trẻ em
01/03/2024 - 11:22:11
- Bất ngờ với nguyên nhân gây viêm lợi nhiều người chưa biết
27/02/2024 - 11:38:18
- Tay chân bị lạnh vào mùa đông, nguyên nhân và cách khắc phục
26/02/2024 - 10:09:05
- Thời điểm tuyệt đối không nên massage cho trẻ
26/01/2024 - 10:30:39