Nhiều người bỏ phần chi thể bị đứt trực tiếp vào nước đá là sai, làm mô bị hư. Việc đến BV quá trễ cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc cứu sống phần chi bị đứt lìa.
Nối phần cổ tay là rất khó nhưng các bác sĩ đã làm thành công
ẢNH: DUY TÍNH
Ngày 22.1, bác sĩ CK.II Trương Trọng Tín, Khoa chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy (TP.HCM), cho biết BV vừa tiếp nhận bệnh nhân V.P.Đ (34 tuổi, ngụ Vĩnh Long) bị chém đứt lìa bàn tay trái.
Anh Đ. cho biết anh có “ân oán” mới một người gần nhà nhưng đã giải quyết xong. Nhưng lần này người kia nhậu vào nhớ lại chuyện cũ nên khi thấy anh Đ. thì nhảy vào đánh và sau đó dùng dao cánh bướm chém, anh Đ. giơ tay trái lên đỡ và bị đứt lìa bàn tay.
Sau khi được cấp cứu tại BV địa phương, anh Đ. được chuyển lên BV Chợ Rẫy cùng bàn tay được ướp đá.
“Chúng tôi tiếp nhận bệnh nhân 6 giờ sau khi bị chém. Chúng tôi tiến hành làm sạch vết thương, kết hợp xương, nối mạch máu (2 động mạch và 4 tĩnh mạch), riêng thần kinh bị dập nát nhiều một đoạn nên chưa khâu nối được nên sẽ ghép sau. Sau hơn 5 giờ thì ca phẫu thuật thành công. Hiện bàn tay bệnh nhân đã sống, hoạt động nhẹ nhàng được”, bác sĩ Tín nói.
Theo bác sĩ Tín, ngày nào BV Chợ Rẫy cũng tiếp nhận bệnh nhân bị đứt chi, phần lớn là do đâm đém bằng vũ khí sắc bén, thứ đến là tai nạn lao động một phần nhỏ là tai nạn giao thông. Gần đây thì tình hình bệnh nhân dạng này nhập viện nhiều hơn.
Do vậy, BV Chợ Rẫy phải thành lập những tua trực vi phẫu để cấp cứu bệnh nhân. Khi có bệnh nhân bị đứt chi nhập viện thì BV tiến hành báo động đỏ để huy động nguồn lực, đưa ngay bệnh nhân lên phòng mổ rút ngắn thời gian thiếu máu của chi bị đứt lìa và tiến hành phẫu thuật khi có kết quả xét nghiệm đánh giá về đông máu, tình trạng sức khỏe.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Tín, lâu nay, nhiều nơi tiếp nhận nạn nhân và bảo quản phần chi bị đứt không tốt, tức bỏ trực tiếp vào nước đá dẫn đến bỏng lạnh, khi nối vào chi thể khó sống.
BV Chợ Rẫy đã tập huấn cho tuyến dưới bảo quản chi thể đứt lìa: không để trực tiếp chi đứt lìa vào thùng đá, cần rửa phần bị đứt bằng nước sạch và dùng gạc bó lại, sau đó bỏ vào 1-2 bao nilon sạch, cột lại và bỏ vào nước đá để bảo quản, nhằm không cho nước thấm vào làm hư mô.
Về thời gian vàng để cứu sống bàn tay đứt lìa, theo bác sĩ Tín, theo y văn thì có thể đến 12 giờ sau đứt nhưng nối lại chức năng có thể kém. Tại BV Chợ Rẫy, ca nhập viện lâu nhất 10 giờ.
“Nhưng nếu đến muộn quá mà nối vào cơ thể thì độc chất ở chi hoại tử sẽ phóng thích độc chất vào máu, ảnh hưởng đế tính mạng bệnh nhân, do vậy bệnh nhân đến trễ thường phải bỏ phần chi bị đứt”, bác sĩ Tín cho biết thêm.
Duy Tính