5 loại virus, vi khuẩn gây bệnh ung thư
Virus Hepatitis B và C liên quan đến ung thư gan, trong khi HPV gây ung thư cổ tử cung và vòm họng, HP liên quan đến ung thư dạ dày.
Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, một số tác nhân truyền nhiễm gồm virus, vi khuẩn có thể gây ung thư hoặc làm tăng nguy cơ ung thư hình thành. Các tác nhân truyền nhiễm còn gây nhiều bệnh nhiễm trùng dai dẳng, làm suy yếu hệ thống miễn dịch, gây viêm mạn tính. Ước tính virus khối u ở người chiếm khoảng 12-20% số ca ung thư trên thế giới.
HBV và HCV
Virus Hepatitis B (HBV) và Hepatitis C (HCV) được ví như "sát thủ thầm lặng" gây xơ gan và ung thư gan. Theo thống kê, trên 80% bệnh nhân ung thư gan tiến triển từ viêm gan B, khoảng 5% ca do viêm gan C.
Người bệnh viêm gan B có nguy cơ ung thư gan cao gấp 200 lần so với bình thường. Khoảng 15-20% trường hợp xơ gan do viêm gan B biến chứng thành ung thư gan.
Cả viêm gan B và C đều diễn tiến âm thầm, nhiều người đã có khối u dù chưa biểu hiện triệu chứng, chỉ phát hiện được khi đến giai đoạn nặng như xơ gan, ung thư gan... Do đó, phòng ngừa viêm gan B và C rất quan trọng.
Hiện viêm gan B đã có vaccine phòng ngừa, hiệu quả 95%, được đánh giá là mũi tiêm ngừa ung thư đầu tiên trên thế giới. Viêm gan C chưa có vaccine nên cần phòng bệnh bằng cách không dùng chung kim tiêm, quan hệ tình dục an toàn, tránh tiếp xúc với máu...
Ảnh minh họa bệnh nhân ung thư gan. Ảnh: Freepik
HPV
Đây là loại virus gây u nhú ở người, phổ biến lây nhiễm qua đường tình dục. Theo thống kê, HPV có khoảng 200 chủng, trong đó khoảng 15 chủng nguy cơ cao gây các bệnh ung thư vùng kín và vòm họng ở hai giới. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tháng 8/2023 thống kê HPV liên quan hơn 625.000 ca ung thư ở nữ và hơn 69.000 ca ở nam giới mỗi năm. Số ca ung thư do HPV chiếm 5% tổng số ca trên thế giới.
Ở những quốc gia tiêm chủng rộng rãi vaccine HPV và các phương pháp sàng lọc được chú trọng, tỷ lệ tử vong do ung thư cổ tử cung đã giảm mạnh (khoảng 70% từ năm 1955 đến năm 1992). Thành quả này do sự phát triển và chấp nhận rộng rãi việc sàng lọc ung thư cổ tử cung cũng như tăng tỷ lệ chủng ngừa. Hiện vaccine HPV đã có sẵn cho người từ 45 tuổi trở xuống ở cả nam và nữ giới, tiêm vaccine là cách phòng bệnh hiệu quả đến 94%.
Vi khuẩn HP
Vi khuẩn HP là nguyên nhân phổ biến gây viêm loét dạ dày, tá tràng và ung thư dạ dày. Trong đó, ung thư dạ dày đứng thứ 3 trong các bệnh ung thư thường gặp. Theo Globocan, Việt Nam năm 2018 có thêm 17.527 ca mắc mới và 15.065 người tử vong vì ung thư dạ dày.
HP là vi khuẩn duy nhất sống được trong môi trường dạ dày, có khả năng ẩn nấp sâu trong lớp nhầy của niêm mạc dạ dày, đồng thời tiết ra các chất làm trung hòa axit HCL và làm tan chất nhầy. Từ đó, vi khuẩn tiết chất gây ung thư, tiếp xúc trực tiếp với các tế bào lớp niêm mạc dạ dày gây viêm niêm mạc dạ dày. Chính viêm niêm mạc dạ dày dị sản type ruột là tiền ung thư.
EBV
EBV là một loại virus herpes, có thể lây truyền qua nước bọt và gây bệnh, còn gọi là "bệnh hôn". Nhiều nghiên cứu cho thấy mối liên quan giữa EBV với ung thư vòm họng, khi xét nghiệm, kháng thể EBV cao ở người bệnh ung thư vòm họng.
Virus còn có thể lây từ người này sang người khác khi ho, hắt hơi hoặc dùng chung dụng cụ ăn uống hoặc quan hệ tình dục bằng miệng. Hầu hết người Mỹ nhiễm EBV ở tuổi thiếu niên, nhiều người không có triệu chứng bệnh.
Tương tự các virus herpes khác, nhiễm EBV sẽ kéo dài suốt đời, tuy nhiên tỷ lệ tiến triển ung thư thấp. Hiện không có thuốc hoặc phương pháp điều trị nào để loại bỏ EBV cũng như không có vaccine phòng ngừa.
DNA bị virus tấn công gây ung thư. Ảnh: Freepik
HIV
HIV gây hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS). Virus không trực tiếp gây bệnh ung thư nhưng có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư ở người nhiễm, ví dụ các bệnh ung thư hậu môn, cổ tử cung, vòm họng, phổi, da, gan, hạch hệ thần kinh trung ương...
Virus lây nhiễm và phá hủy các tế bào bạch cầu (tế bào T), làm suy yếu hệ thống miễn dịch của cơ thể. Điều này có thể tạo điều kiện cho một số loại virus khác như HPV phát triển mạnh và dẫn đến ung thư.
HIV có thể lây qua quan hệ tình dục không an toàn (bằng miệng, âm đạo hoặc hậu môn), máu và sữa mẹ từ người nhiễm. Virus không lây qua nước bọt hoặc qua tiếp xúc thông thường như nói chuyện, bắt tay, ôm, ho, hắt hơi hay dùng chung bát đĩa, phòng tắm, nhà bếp, điện thoại hoặc máy tính.
Người nhiễm HIV thường không có triệu chứng trong nhiều năm. Trung tâm kiểm soát bệnh tật Mỹ khuyến nghị người dân từ 13 đến 64 tuổi nên xét nghiệm HIV tối thiểu một lần.
Hiện không có vaccine để ngăn ngừa HIV, các nghiên cứu vaccine ngừa virus này chưa triển vọng. Để phòng và giảm nguy cơ nhiễm, người dân cần lưu ý: quan hệ tình an toàn, không dùng chung kim tiêm với người nhiễm; người đã nhiễm cần dùng thuốc để làm chậm ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch, giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư.
Tin nổi bật
- Người phụ nữ cùng lúc mắc 2 loại ung thư
28/06/2024 - 09:50:34
- Điều trị ung thư bàng quang
20/06/2024 - 10:36:13
- Các lựa chọn điều trị ung thư thận
19/06/2024 - 11:15:28
- Các loại thuốc điều trị ung thư thực quản
17/06/2024 - 14:31:44
- Bài tập cho người ung thư dương vật
14/06/2024 - 09:51:01
- Sụt cân, vàng da... dấu hiệu của bệnh ung thư ác tính
12/06/2024 - 10:41:43